Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí Phạm Tuấn Đạt khẳng định: Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch bền vững của thành phố Uông Bí; góp phần xây dựng Uông Bí trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí Phạm Tuấn Đạt phát biểu khai mạc hội thảo. |
Uông Bí là vùng đất giàu di sản văn hóa, có truyền thống văn hóa Phật giáo gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ thế kỷ thứ 13, với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá đã và đang được lưu giữ, bảo tồn trong một hệ thống các di tích với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Yên Tử và trên khắp vùng đất Uông Bí.
Sự phong phú đó đã tạo nên một hệ thống di sản vùng đất Uông Bí đa dạng, giàu bản sắc văn hóa, có bề dày lịch sử đó là các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh: Xác định di sản văn hóa là tài sản quý giá, là cầu nối giữa sinh hoạt văn hóa với cộng đồng dân cư, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền, vì vậy, những năm qua, thành phố Uông Bí đã tập trung đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới phát triển kinh tế du lịch.
Công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích được thực hiện đúng theo Luật Di sản văn hóa. Nhiều di tích được khôi phục, trùng tu tôn tạo.
PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phát biểu tại hội thảo. |
Về di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn thành phố Uông Bí hiện có 31 di tích nằm trong danh mục của tỉnh, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Các di tích này đều gắn với những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa nơi đây.
Về di sản văn hóa phi vật thể, hiện trên địa bàn thành phố có 32 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 6 loại hình gồm: 8 di sản tập quán xã hội; 6 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; 5 di sản lễ hội truyền thống; 5 di sản ngữ văn dân gian; 7 di sản tri thức dân gian và 1 di sản tiếng nói, chữ viết.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Thông qua hội thảo này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa tư liệu, ý kiến quý báu và những kinh nghiệm tiếp cận những nhận thức mới về phát triển bền vững, nhận diện mới về giá trị di sản văn hóa, con người Uông Bí hiện tại đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn.
Từ đó, sẽ có giải pháp thực tế, hiệu quả để chuyển hóa các giá trị này thực sự trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương phát biểu tại hội thảo. |
Hơn 30 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa tại hội thảo đã tập trung làm rõ những giá trị lịch sử-văn hóa, khoa học trong kho tàng di sản văn hóa của Uông Bí; thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững của Uông Bí; đề xuất những giải pháp và mô hình phù hợp đề nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn di sản góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của địa phương trong đó có ngành du lịch mang sắc thái đặc trưng của Uông Bí.