Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trò chuyện với sinh viên về văn hóa Nam Bộ

NDO - Ngày 29/3, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng có buổi trò chuyện với sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn về tản mạn văn hóa Nam Bộ. Chương trình do Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trò chuyện với sinh viên về văn hóa Nam bộ.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trò chuyện với sinh viên về văn hóa Nam bộ.

Nam Bộ là một vùng đất mới, có trên dưới 300 năm tuổi. Nói đến văn hóa Nam Bộ là nói đến văn hóa Việt đã được phát triển ở vùng đất này như thế nào. Do những đặc điểm riêng, vùng đất này trở thành không gian mở, thành nơi hợp lưu những dòng chảy văn hóa.

Buổi trò chuyện “Tản mạn văn hóa Nam bộ” phần nào phác họa nên diện mạo văn hóa của vùng đất mới phương Nam. Nội dung trò chuyện giữa nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng với các bạn sinh viên xoay quanh những vấn đề như: Hạt giống văn hóa Thuận Quảng của cộng đồng lưu dân khai hoang; Thổ ngơi phương Nam, tiền đề của đặc trưng “văn minh sông rạch”; Giao lưu văn hóa Việt-Chăm, Việt-Khmer, Việt-Hoa; Ảnh hưởng văn hóa phương Tây; Nam Bộ - nơi hợp lưu của những dòng chảy văn hóa.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trò chuyện với sinh viên về văn hóa Nam Bộ ảnh 1

Sinh viên đặt câu hỏi tại buổi nói chuyện chuyên đề.

Có thể nói, chất liệu văn hóa chính là yếu tố nổi bật riêng của từng địa phương, mỗi quốc gia để khơi gợi phát triển du lịch. Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế về cảnh quan khác biệt trải dài trên mảnh đất hình chữ S. Theo đó, lịch sử-văn hóa từng vùng miền cũng phong phú không kém.

Trong đó, vùng đất Nam Bộ tuy là vùng đất mới tích hợp nhiều yếu tố mới-cũ sẽ mang đến cho các bạn trẻ nhiều chất liệu giá trị và có những cái nhìn trực quan sinh động hơn trong góc nhìn của người làm nghề du lịch và giá trị mà du khách nhận được sau mỗi chuyến đi. Từ đó, những người trẻ sẽ hiểu thêm và yêu đất nước, con người Việt Nam thông qua việc quảng bá văn hóa, du lịch đến du khách trong nước và quốc tế.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trò chuyện với sinh viên về văn hóa Nam Bộ ảnh 2

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tặng quà các bạn sinh viên.

Nội dung chương trình giao lưu được chọn lọc từ những tác phẩm do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản như: “Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ (tập I, II, III)”; “Câu chuyện văn hóa”; “Gia Định-Sài Gòn: Ký ức lịch sử-văn hóa”; “Gia Định-Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cùng các cộng sự.

Thông qua buổi trò chuyện “Tản mạn văn hóa Nam Bộ”, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng giúp sinh viên có nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa nói chung và văn hóa Nam Bộ nói riêng. Từ đó, có thể áp dụng những kỹ năng-bí quyết học tập tự thân để phục vụ ngành nghề của các bạn đang học và sắp làm.

Ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho biết, đối với sinh viên du lịch thì thì kiến thức đủ và đúng là điều rất quan trọng. Hiện tại chúng ta dễ dàng tìm kiếm thông tin trên google hay Chat GPT, tuy nhiên việc cập nhật thông tin dễ dàng từ mạng xã hội sẽ làm hạn chế trí nhớ cũng như khả năng nghiên cứu, phân tích của con người.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trò chuyện với sinh viên về văn hóa Nam Bộ ảnh 3

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ký tặng sách cho các thầy cô, sinh viên.

“Để thắng được công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi chúng ta phải tạo nên những câu chuyện chuyên sâu, giàu cảm xúc mà các công cụ tìm kiếm không có được. Điều này rất cần đối với sinh viên ngành du lịch”, ông Phan Bửu Toàn nhận định.

Theo ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa là việc làm rất cần thiết. Từ các buổi trò chuyện này, sinh viên sẽ có thêm những kiến thức, kỹ năng nghiên cứu về văn hóa, từ đó trang bị cho bản thân nền tảng kiến thức vững chắc để có thể làm nghề một cách tốt nhất, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng ngành du lịch, cũng như giữ gìn văn hóa Việt và mang văn hóa Việt đi xa khắp bốn bể năm châu.