Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu là các nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân, nhà báo nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ - nghệ thuật Khmer các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh. Hội thảo cũng nhằm thu thập thêm cứ liệu để hoàn chỉnh đề tài nghiên cứu cấp Bộ về “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ”, do trường thực hiện trong giai đoạn 2018-2020 .
PGS, TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh phát biểu đề dẫn hội thảo cho thấy, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng âm nhạc đương đại, âm nhạc dân gian của người Khmer Nam Bộ đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, một số loại hình nghệ thuật có nguy cơ mai một, như: kịch múa Rô băm, đồng giao, giáo huấn ca, nghệ thuật trình diễn dân gian Chầm riêng Chà pây... Vì thế, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Gần 10 tham luận của các nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân, nhà sáng tác âm nhạc, nhà nghiên cứu về âm nhạc Khmer đã chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích, những kinh nghiệm sưu tầm, truyền dạy, đồng thời đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - nghệ thuật của âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ.
Hơn 30 bài tham luận đã mô tả rõ nét về hiện trạng bảo tồn các giá trị văn hóa - nghệ thuật của âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ; Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và tiếp biến trong âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo cũng góp phần giúp Trường Đại học Trà Vinh thực hiện tốt công tác sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Năm 2013, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng để thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Đến nay, Khoa đã đào tạo và tốt nghiệp ra trường: Thạc sĩ 271 học viên, Đại học 351 sinh viên và Cao đẳng 113 sinh viên. Khoa đã hoàn thành Dự án biên soạn Bộ từ điển song ngữ Việt - Khmer và Khmer - Việt, 84 nghìn từ theo Quyết định số 5871/QĐ-BGDĐT, ngày 12-12-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện, đang thực hiện hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và cấp Bộ về lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer.
Ngoài ra, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ còn chủ trì phối hợp các đơn vị, cá nhân sưu tầm và khai trương Tủ sách Văn hóa miền Tây Nam Bộ. Tủ sách Văn hóa miền Tây có hơn 450 tài liệu, 1.800 bản sách trên các mặt thuộc lĩnh vực đời sống xã hội, phong tục, tập quán, kiến trúc, mỹ thuật, tín ngưỡng dân gian của các tộc người ở Nam Bộ (Việt, Khmer, Hoa, Chăm). Xuất bản ba quyển sách và gần 100 bài báo khoa học, tham luận... được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước...