Nền văn hóa cổ Óc Eo được phát hiện lần đầu qua các di chỉ ở núi Ba Thê, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sau đó, các nhà khảo cổ mở rộng tìm kiếm trên toàn vùng Nam Bộ và đã thu được rất nhiều hiện vật vừa đa dạng, vừa mang tính bản địa, có tính giao lưu với các trung tâm văn hóa lớn thời bấy giờ. Trải qua hơn 75 năm phát hiện và nghiên cứu, nền văn hóa này ngày càng trở nên rõ nét hơn. Có thể nói, các di tích thuộc văn hóa Óc Eo là nguồn tư liệu lịch sử quý giá như một bằng chứng về một nền văn hóa cổ. Ðề án mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện các giá trị di sản văn hóa Óc Eo có ý nghĩa quan trọng, nhằm phục dựng một cách đầy đủ nhất một nền văn hóa khảo cổ có nguồn gốc bản địa, lâu đời của vùng Ðông - Nam Á. Qua đó, khẳng định vị trí của vùng đất này là một bộ phận lãnh thổ được cộng đồng cư dân Nam Bộ khai phá, giữ gìn và bảo vệ trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Theo GS, TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đề án "Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)" có ý nghĩa về mặt khoa học rất sâu sắc, đã triển khai toàn diện trên tất cả các mặt, vừa tổng quan nghiên cứu các công trình trước đó, vừa tiến hành khảo sát và tích cực khai quật các địa điểm đã được phê duyệt. Ðến nay, kết quả khai quật khảo cổ học thu được những kết khả quan; đã phê duyệt các nhiệm vụ thực hiện hoạt động khoa học chung của đề án, đồng thời tiếp tục phối hợp hai tỉnh Kiên Giang và An Giang thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ công tác nghiên cứu.
Không gian phân bố của nền văn hóa Óc Eo bao gồm phần lớn vùng châu thổ sông Mê Công miền nam nước ta. Với khối lượng tư liệu về di tích, di vật văn hóa Óc Eo đã có rất lớn nhưng lại rời rạc và chưa được quy chuẩn. Qua những lần khai quật các di chỉ khảo cổ, nền văn hóa này bao trùm khắp đồng bằng Nam Bộ từ Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng, Ðồng Tháp Mười, đồng bằng tây sông Hậu… đến Nam Tây Nguyên (Cát Tiên, Lâm Ðồng). Các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều loại di vật, như di cốt người; xương, răng động vật; đồ trang sức bằng vàng, thủy tinh, mã não, hồng ngọc; công cụ sắt; nồi rót kim loại; đồ gốm; đồ đá… Bên cạnh đó là những khám phá khảo cổ học sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Nam Bộ với hàng chục nghìn di vật văn hóa Óc Eo đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu, vừa mang tính bản địa, vừa hàm chứa những thành tố của các nền văn minh Ấn Ðộ, Ba Tư, La Mã, Trung Hoa… được tìm thấy và đưa về bảo quản, phát huy tại các bảo tàng khu vực phía nam. Tuy nhiên, việc thu thập, lưu trữ, xử lý, quản lý, chia sẻ tư liệu - tài liệu về văn hóa Óc Eo đang đứng trước những khó khăn và thách thức về bảo tồn các tư liệu, bản đồ, hiện vật… Các tư liệu, tài liệu không chỉ phân tán ở nhiều nơi, mà còn chủ yếu được lưu trữ thủ công, số hóa đơn giản, chưa có các công cụ số hóa, thu thập, xử lý, xây dựng cơ sở dữ liệu theo quy chuẩn.
Theo PGS, TS Bùi Chí Hoàng, Viện KHXH vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam): Giá trị di sản của văn hóa Óc Eo chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện. Do đó, việc tiến hành các hoạt động điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ văn hóa Óc Eo là một trong những hoạt động rất cần thiết, cần làm ngay nhằm cung cấp tư liệu hoàn chỉnh; đề xuất các cấp độ bảo tồn, góp phần gìn giữ di sản văn hóa quan trọng của dân tộc. Ðề án nghiên cứu về văn hóa Óc Eo Nam Bộ của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trên phương diện khoa học đã làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của đề án, thống nhất, làm rõ "tính bản địa" là những giá trị văn hóa đã được đúc kết tại chính nơi mà cộng đồng cư dân sinh sống.
Nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng các hoạt động phục vụ đề án cũng như góp phần bảo tồn, lưu giữ phát huy giá trị nền văn hóa Óc Eo, dự kiến tháng 9-2019, hoạt động chỉnh lý sơ bộ, lập hồ sơ tư liệu, hệ thống hóa tư liệu di tích, di vật, báo cáo kết quả khai quật sẽ được thực hiện. Ðồng thời, tiếp tục tổng quan các chương trình, các dự án nghiên cứu trước đó để có cơ sở so sánh nghiên cứu đánh giá về những phát hiện mới, xây dựng tốt cơ sở dữ liệu về các mặt như: khoa học, lịch sử và khảo cổ học nhằm tiến hành xây dựng hồ sơ đánh giá về di tích lịch sử quan trọng này. Cùng với đó, các giải pháp về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích này sẽ được gửi tới Ban quản lý Ðề án, Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam để triển khai và hoàn thiện trong năm 2020. Các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học cho biết: Với những giải pháp đang được thực hiện, khi kết thúc đề án này về mặt di sản vật chất chúng ta sẽ có một số các bảo tàng ngoài trời trên các di tích Óc Eo, Ba Thê (An Giang); Nền Chùa (Kiên Giang). Tiến tới, sẽ đề cử UNESCO xem xét công nhận vùng không gian văn hóa Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa thế giới.