“Nhà máy thông minh” bước đệm chuyển đối số doanh nghiệp

NDO - Sau 3 tháng triển khai, doanh nghiệp đã được hỗ trợ tư vấn các giải pháp, đưa ra phương án cải tiến theo định hướng xây dựng nhà máy thông minh; hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho nhân viên để doanh nghiệp chủ động tiếp tục thực hiện sau khi dự án kết thúc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy In Trùng Khoa đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin.
Nhà máy In Trùng Khoa đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin.

Ngày 10/12, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Tổng kết Chương trình hỗ trợ Dự án tư vấn phát triển nhà máy thông minh tại thành phố Đà Nẵng năm 2024.

Nâng thang điểm nhà máy

Ngay khi tiếp nhận Dự án, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thịnh Lợi đã triển khai ngay tại nhà máy (đặt ở Cụm công nghệp An Lưu, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Qua đánh giá ban đầu, công ty chỉ đạt chỉ số thông minh 1.0/5.0. Các chuyên gia đã đào tạo, hỗ trợ các phần việc như: Đào tạo viết mô tả; phân tích quy trình, lên phương án cải tiến, đào tạo đội ngũ quản lý, cải tiến hiện trường, dán mã QR các khu vực, lắp đặt thiết bị IoT…

“Nhà máy thông minh” bước đệm chuyển đối số doanh nghiệp ảnh 1

Đại biểu tìm hiểu triển khai dự án tại nhà máy.

Đối với phần mềm quản lý thông tin, nhà máy thiết lập môi trường thu thập và chia sẻ dữ liệu thông tin thông qua IoT cho các quy trình xử lý; thiết lập quy trình vận hành nhà máy lên hệ thống. Về hoạt động cải tiến được thực hiện với 4 lĩnh vực: sản xuất, chất lượng, thiết bị, kho vận.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể quản lý chỉ số năng lực vận hành nhà máy theo thời gian thực; tăng hiệu suất nhà máy nhờ loại bỏ lãng phí hiện trường. Kết quả, sau 3 tháng triển khai dự án, nhà máy đã đạt thang điểm 2.7/5.0.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thịnh Lợi chia sẻ: Đến thời điểm hiện tại, nhà máy đã áp dụng gần 20% thiết bị vào hệ thống nhà máy thông minh, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện 100% thiết bị áp dụng vào hệ thống.

“Nhà máy thông minh” bước đệm chuyển đối số doanh nghiệp ảnh 2

Tại Công ty Minh Thịnh Lợi.

Công ty TNHH In Trùng Khoa (Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã hoàn thành xây dựng nhà kho thông minh; số hóa và vận hành từ xa.

Các hoạt động cải tiến chính như: Tạo môi trường quản lý Capa sản xuất, tiến độ theo thời gian thực; xây dựng môi trường quản lý truy xuất chất lượng; quản lý hiệu suất thiết bị dựa trên phần mềm; quản lý tồn thành phẩm và tồn kho theo thời gian thực; bảo đảm năng lực thực thi thông qua dự báo và đối ứng từ sớm; tăng hiệu suất nhà máy nhờ loại bỏ lãng phí hiện trường…

Từ thang điểm 1.1/5.0 ban đầu, sau khi được tư vấn và thực hiện các giải pháp xây dựng nhà máy thông minh, chỉ số tại nhà máy In Trùng Khoa đã tăng lên là 3.0/5.0.

“Nhà máy thông minh” bước đệm chuyển đối số doanh nghiệp ảnh 3

In Trùng Khoa đã tăng chỉ số nhà máy thông minh lên thang 3.

Ông Ngô Tiến Thành, Trưởng Ban phát triển Nhà máy thông minh (Công ty TNHH In Trùng Khoa) chia sẻ thêm: Sau khi thực hiện dự án, chúng tôi đã đạt được một số kết quả như: thu thập số liệu thực qua sử dụng phần mềm, cải tiến hiện trường với mô hình sử dụng mã Qr code, sử dụng layout về quản lý thiết bị. Dự án đã giúp tăng 20% năng suất và đạt hiệu quả trong quản lý.

Nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp

Chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh do Sở Công thương thành phố Đà Nẵng phối hợp Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam thực hiện. Đến nay, Chương trình đã triển khai cho 5 doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng và miền trung-Tây Nguyên trong năm 2023 và 2024.

Ông Jang Yoon Ho, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đối tác Samsung Điện tử Việt Nam thông tin, mô hình nhà máy thông minh là một tất yếu các doanh nghiệp cần phải thực hiện để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh sản xuất.

“Nhà máy thông minh” bước đệm chuyển đối số doanh nghiệp ảnh 4

Quản lý sản xuất trên hệ thống.

“Tôi hi vọng những nhà máy này sẽ trở thành mô hình để các doanh nghiệp khác đến tham quan học tập, trở thành nòng cốt thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp. Việc hoàn thành dự án là bước đầu cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp và mong các đơn vị tiếp tục thực hiện sâu rộng hơn nữa” - Ông Jang Yoon Ho nói.

Dự án phát triển nhà máy thông minh triển khai giúp doanh nghiệp đạt cấp độ 3 trong thang đo nhà máy thông minh. Trong thời gian thực hiện, doanh nghiệp được cải tiến nội dung về phần mềm và sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ cho biết: “Đến trực tiếp các nhà máy tôi rất ấn tượng vì Dự án đã hỗ trợ rất nhiều phần việc như: tổ chức lại toàn bộ hệ thống sản xuất, mức độ nhà máy thông minh tại các doanh nghiệp đã tăng lên; tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và tăng chi phí giá thành. Sở Công Thương tiếp tục là đầu mối và đồng hành để các doanh nghiệp tham khảo mô hình từ đó xây dựng cho mình hướng đi thích hợp trong chuyển đổi số”.