Doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến nhà máy thông minh

Các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chủ động trong số hóa nhiều quy trình. Thành phố cũng có chương trình hợp tác tư vấn phát triển nhà máy thông minh, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00

Những năm qua, Đà Nẵng đã không ngừng đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế số, nhất là việc thí điểm mô hình nhà máy thông minh. Thành phố cũng ban hành nhiều nghị quyết, đề án để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2023, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng phối hợp Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) và Samsung Việt Nam hỗ trợ tư vấn, cải tiến mô hình nhà máy thông minh cho hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Trung Nam Electronics và Công ty TNHH Bao bì Tân Long.

Các doanh nghiệp được chuyên gia Samsung đến khảo sát, đánh giá thực trạng. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực vận hành nhà máy thông minh, tư vấn thiết lập nhà máy thông minh thông qua các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, tối ưu hóa các quy trình, công đoạn sản xuất.

Từ đánh giá ban đầu, Công ty TNHH Bao bì Tân Long (Khu Công nghiệp Hòa Khánh) chỉ đạt 0,9/5 điểm của một nhà máy thông minh. Qua hơn 3 tháng hỗ trợ từ chương trình, đến thời điểm kết thúc đợt đào tạo, nhà máy đã đạt 2,8/5 điểm. Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Tân Long Hà Ngọc Thống chia sẻ: “Công ty đã vận hành dây chuyền hộp màu theo thời gian thực, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Cùng với đó, chúng tôi đã có một số chuyên viên hiểu cách xây dựng các hạng mục thiết yếu để xây dựng nhà máy thông minh cho dây chuyền khác”. Sau quá trình triển khai, doanh nghiệp đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực, nâng cao rõ rệt hiệu suất sản xuất và khả năng cạnh tranh, xây dựng lộ trình hướng tới “nhà máy thông minh”.

Để tiếp tục tạo “bàn đạp”, chương trình hỗ trợ thêm ba doanh nghiệp: Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty Minh Thịnh Lợi và Công ty TNHH In Trùng Khoa phát triển nhà máy thông minh.

Công ty TNHH In Trùng Khoa được thành lập với xuất phát điểm từ một cửa hàng chuyên in ấn, photocopy. Lúc đó, mỗi ngày đơn vị xử lý khoảng 400-500 đơn hàng với giá trị từ 5.000 đồng đến 10 triệu đồng. Năm 2015, lãnh đạo công ty nhận thấy nếu vẫn còn làm việc thủ công thì rất khó để phát triển hơn nữa. Dù chưa hiểu nhiều về công nghệ, nhưng bà Nguyễn Thị Thịnh, giám đốc công ty đã đầu tư máy chủ, kết nối với một đơn vị để làm phần mềm.

Chỉ 2 năm sau, In Trùng Khoa đã chấm dứt việc ghi chép bằng sổ sách, excel tất cả các thông tin, sản xuất đều tự động hóa, vào lúc cao điểm có thể dễ dàng xử lý khoảng 1.000 đơn hàng/ngày. Từ những dữ liệu thu thập trong phần mềm quản lý, lãnh đạo công ty linh hoạt hơn trong việc đưa ra các quyết định phát triển doanh nghiệp. Năm 2019, In Trùng Khoa đã thành lập được một xưởng in bao bì tại Khu công nghiệp Đà Nẵng (quận Sơn Trà).

“Tôi hiểu rằng, muốn phát triển công ty theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, có thể cạnh tranh và cung ứng được sản phẩm cao cấp cho các đơn vị FDI trên địa bàn thì phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ và số hóa. Được chọn tham gia dự án nhà máy thông minh, tôi cam kết cùng đội ngũ của mình quyết liệt, kiên định thực hiện dự án thành công. Mong rằng sau khi dự án kết thúc, có thể thấy một quy trình được tự động hóa, đội ngũ nhân viên sẽ tiếp tục duy trì để phát triển một nhà máy bền vững”, bà Nguyễn Thị Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH In Trùng Khoa khẳng định.

Dự án phát triển nhà máy thông minh đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất cho các doanh nghiệp, xây dựng phần mềm điều hành sản xuất. Dự án giúp doanh nghiệp đạt cấp độ 3 trong thang đo nhà máy thông minh. Kế hoạch triển khai chia ra 3 lĩnh vực: in/ bao bì; gia công/tạo hình và lắp ráp thành phẩm.

Trong thời gian thực hiện, doanh nghiệp sẽ được cải tiến 26 nội dung về phần mềm và sản xuất, cụ thể như: quản lý tiến độ theo thời gian thực; phân tích chất lượng gắn với công đoạn; dự báo sản xuất chậm; quản lý mức độ hài lòng của khách hàng; giảm hao phí… Thông qua đó, chương trình sẽ giúp doanh nghiệp phát hiện được tất cả những lãng phí tại hiện trường sản xuất, đồng thời bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin để đơn vị có cái nhìn tổng quan hơn.

“Chương trình này không chỉ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế số của thành phố. Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ đồng hành cùng chương trình, tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố”, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ cho biết.

Việc thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng nhà máy thông minh là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.