Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạo sự khác biệt lớn trong tăng trưởng kinh tế Quảng Ngãi

NDO - Ngày 16/6, tại thành phố Quảng Ngãi, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp cùng Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá tác động dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đối với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi”.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền trung.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp tập trung thảo luận, phân tích những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực, cả trực tiếp lẫn gián tiếp của Nhà máy lọc dầu Dung Quất Dung Quất đến phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi trên các chiều cạnh như: tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, năng lực cạnh tranh, cơ sở hạ tầng, liên kết ngành, nộp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, sinh kế, thu nhập, đào tạo nguồn nhân lực, an sinh xã hội, môi trường.

Đồng thời, đề xuất những định hướng, giải pháp phát triển tỉnh Quảng Ngãi gắn với việc hình thành và phát triển trung tâm lọc hóa dầu quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất với vai trò hạt nhân của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý, vận hành, sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất).

Tác động lan tỏa của Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ nhấn mạnh, việc xây dựng thành công và đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho khu vực miền trung và Việt Nam.

Cụ thể, kể từ khi đi vào hoạt động đến cuối năm 2022, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất hơn 83,76 triệu tấn sản phẩm, tạo ra doanh thu hơn 1.426 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 203,85 nghìn tỷ đồng và lũy kế lợi nhuận sau thuế khoảng 42,65 nghìn tỷ đồng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạo sự khác biệt lớn trong tăng trưởng kinh tế Quảng Ngãi ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

“Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tạo ra 1.528 việc làm trực tiếp và thực hiện đào tạo, nâng cao năng lực cho 7.871 cán bộ, công nhân viên, đóng góp lớn vào ngân sách cho Trung ương và địa phương, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương và vùng phụ cận; hỗ trợ và triển khai tốt các chính sách cho người lao động và chính sách an sinh xã hội”, Tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp nhìn nhận.

Tham luận của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi nêu rõ, từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đến nay, đã góp phần đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế xuất phát điểm thấp, ngân sách phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Trung ương từ năm 2009 trở về trước, nay trở thành một tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước với quy mô nền kinh tế đạt 121.668 tỷ đồng (đứng thứ 2/5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền trung; đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; đứng thứ 18/63 tỉnh, thành cả nước).

Không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền trung, Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn là nhân tố, động lực quan trọng để thu hút nhiều dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạo sự khác biệt lớn trong tăng trưởng kinh tế Quảng Ngãi ảnh 2

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được ví như "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào Khu kinh tế Dung Quất.

Đến thời điểm này, có 347 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, với tổng vốn đăng ký 395.246 tỷ đồng (khoảng 18,5 tỷ USD), trong đó có 58 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,85 tỷ USD và 289 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 353.499 tỷ đồng (khoảng 16,71 tỷ USD).

Hiện 249 dự án đi vào hoạt động, trong đó, nhiều dự án đầu tư hoạt động các lĩnh vực công nghiệp sau hóa dầu và lĩnh vực dịch vụ phục vụ cho Nhà máy lọc dầu và tạo tiền đề cho sự phát triển cả Khu kinh tế Dung Quất.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất không chỉ lập nền móng ban đầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Quảng Ngãi và miền trung, mà còn là “thỏi nam châm” thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào Quảng Ngãi.

Từ đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, đưa ngành công nghiệp Quảng Ngãi phát triển nhanh và mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế chủ đạo và mũi nhọn của tỉnh.

Phát huy tối đa lợi thế từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Song song việc khẳng định vai trò quan trọng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tạo sự khác biệt lớn trong tăng trưởng kinh tế Quảng Ngãi, các nhà khoa học, nhà quản lý chỉ ra một số vấn đề tồn tại, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi gắn với Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đó là, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi còn thiếu ổn định, chưa thực sự bền vững và còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất; hiệu ứng lan tỏa của nhà máy trong phát triển kinh tế vùng còn hạn chế; hệ sinh thái công nghiệp hóa dầu chưa hình thành tại khu vực miền trung.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạo sự khác biệt lớn trong tăng trưởng kinh tế Quảng Ngãi ảnh 3
Tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ trình bày tham luận tại hội thảo.

Để giải quyết những điểm nghẽn trên, các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất trong thời thời gian tới,Quảng Ngãi cần chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ.

Đặc biệt, cần tận dụng cơ hội từ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ” để chủ động phối hợp với các bộ ngành Trung ương nhanh chóng xây dựng đề án trung tâm năng lượng và lọc hóa dầu quốc gia tại Quảng Ngãi.

Đây là cơ sở để xây dựng hệ sinh thái hóa dầu, sau hóa dầu gắn với công nghiệp lọc dầu với “trái tim” là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Có như vậy, mới phát huy tối đa lợi thế từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc đóng góp to lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền trung.

Từ vai trò của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho thấy, đối với các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, bên cạnh đầu tư thực hiện dự án, Nhà nước cần quan tâm đến các cơ chế chính sách liên quan nhằm thúc đẩy, khếch đại tác động lan tỏa của dự án đến các thực thể kinh tế tại vùng, thay vì ở tầm địa phương. Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại kết nối dự án với các địa phương nội vùng, với các trung tâm kinh tế vùng là kênh dẫn hết sức quan trọng.

Đồng thời, Quảng Ngãi cần chú trọng hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất nhằm chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng hiện đại để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững.

Trong đó, cần tập trung nâng cấp và mở rộng các tuyến đường có lưu lượng lưu thông cao; thúc đẩy nhanh khớp nối cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi với Khu kinh tế Dung Quất; hoàn thiện tuyến đường liên cảng Dung Quất, tuyến Dốc Sỏi- sân bay Chu Lai, tạo điều kiện thuận lợi phát triển giữa Khu kinh tế Dung Quất gắn với Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, tuyến đường kết nối quốc lộ 24C đến đường Trường Sơn Đông để kết nối với khu vực Tây Nguyên và nam Lào. Đặc biệt, cần chú trọng thu hút nhà đầu tư hình thành trung tâm xử lý rác thải công nghiệp phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạo sự khác biệt lớn trong tăng trưởng kinh tế Quảng Ngãi ảnh 4
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương kết luận hội thảo.

Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương đánh giá cao các tham luận trình bày tại hội thảo cũng như những ý kiến thảo luận, đóng góp trách nhiệm, xác đáng của đại biểu đã nêu bật những đóng góp tích cực và to lớn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và bức tranh phát triển của Khu kinh tế Dung Quất trong những năm qua.

Theo đồng chí, định hướng phát triển của Khu kinh tế Dung Quất trong thời gian đến Khu công nghiệp, du lịch phát triển bền vững. Từ quy hoạch của Chính phủ và Nghị quyết của Bộ Chính trị sẽ kích hoạt 2 vấn đề: Phát triển kinh tế dựa trên trụ cột công nghiệp là Trung tâm năng lượng lọc hóa dầu quốc gia; hình thành trung tâm du lịch biển đảo của vùng, trong đó đảo Lý Sơn là điểm nhấn.