Nhà máy lọc dầu Dung Quất hướng đến phát triển bền vững

Tại Quảng Ngãi, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa phối hợp Công ty BASF Việt Nam và công ty BATECO Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất”.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo “Phát triển bền vững tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất”.
Hội thảo “Phát triển bền vững tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất”.

Tham dự hội thảo, có các ông: Erick Contreras - Tổng giám đốc BASF Việt Nam; Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty BATECO Việt Nam; cùng các thành viên Ban lãnh đạo, chuyên gia của công ty.

Về phía Công ty BSR có Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương; Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Nhà máy Mai Tuấn Đạt cùng lãnh đạo, chuyên gia, kỹ sư các ban chức năng.

Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương nhấn mạnh: mặc dù đạt được những thành công đáng kể nhưng đến nay, BSR nhận thức rằng trong tương lai ngành công nghiệp lọc hóa dầu nói chung và BSR nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức cũng như cơ hội để có thể thích ứng và phát triển bền vững trong xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.

Nhằm phát triển bền vững trong tương lai, BSR cần phát triển trở thành công ty tích hợp lọc hóa dầu và năng lượng với các nhóm dự án lớn. Tăng tỷ trọng hóa dầu (như PP, PE, ABS). Đầu tư các dự án Năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); các dự án giảm phát thải CO2 (cải tiến thiết bị, CCUS).

BASF là nhà cung cấp hóa chất lớn với những giải pháp kỹ thuật tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà máy lọc dầu, nhà máy hóa chất; đồng thời có định hướng phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi năng lượng.

Với những kinh nghiệm đó, mong rằng BSR và BASF sẽ tăng cường hợp tác để giúp BSR vận hành tốt nhà máy và phát triển bền vững về lâu dài.

Tại hội thảo, BASF đã giới thiệu về công ty, chia sẻ chương trình phát triển bền vững của mình và giới thiệu 3 giải pháp về hóa phẩm xúc tác, phụ gia cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, gồm: Phụ gia và xúc tác cho phân xưởng Cracking (RFCC), nhiều loại xúc tác/phụ gia chuyên biệt để tăng sản lượng Olefine (Propylene, Butylene), tăng sản lượng Gasoline, giảm phân đoạn nặng.

Ngoài ra, BASF cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về xúc tác và phụ gia cho phân xưởng RFCC, bao gồm: Quản lý thay đổi xúc tác, phân tích xúc tác sạch và xúc tác cân bằng, phân tích cặn; dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật dịch vụ đào tạo và phân tích dữ liệu vận hành phân xưởng RFCC.

Với phụ gia cho phân xưởng sản xuất Polypropylene (PP), BASF cung cấp các loại phụ gia chống oxy hóa cho phân xưởng PP và phụ gia nâng cấp chất lượng nhựa tái chế.

Về xử lý khí thải, BASF giới thiệu hóa chất OASE (dạng activated MDEA đã được hoạt hóa bằng phụ gia) có thể sử dụng tại Phân xưởng tái sinh amine (ARU) cung cấp cho các tháp hấp thụ H2S và CO2 trong fuel gas/LPG của nhà máy. Hóa chất này có ưu điểm hơn các dạng amine thông thường như giảm phát thải, giảm OPEX, tiết kiệm năng lượng, phụ trợ.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất hướng đến phát triển bền vững ảnh 1

Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, lãnh đạo và chuyên gia 2 bên cùng thảo luận sôi nổi, giải đáp, làm rõ nhiều thông tin, vấn đề được quan tâm. BSR có thể xem xét các phụ gia/xúc tác RFCC của BASF để đa dạng hóa nhà cung cấp và cải thiện các hạn chế về Olefin/RON của xăng RFCC.

Nghiên cứu sử dụng phụ gia chống oxy hóa cho nhựa – PP và phụ gia nâng cấp chất lượng nhựa tái chế. Có thể phối hợp đánh giá khả năng áp dụng hóa chất OASE cho cụm xử lý khí đuôi TGTU từ phân xưởng SRU của dự án NCMR hoặc đánh giá để xem xét thay thế MDEA cho ARU trong kỳ bảo dưỡng tiếp theo (TA6) nếu có hiệu quả hơn MDEA.

Được biết, BASF là một trong những hãng hóa chất lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Ludwigshafen am Rhein, Đức.

Năm 2022, doanh thu của BASF là 87,3 tỷ Euro, nhân sự là 111.481 người và có 80.000 khách hàng trên toàn thế giới.

Chương trình phát triển bền vững của BASF bao gồm: Chiến lược toàn cầu được thiết lập không chỉ là mục tiêu về kinh doanh/tài chính mà còn bao gồm cả mục tiêu về phát triển bền vững; cam kết giảm 25% phát thải khí CO2 vào năm 2030 và đạt NET ZERO vào năm 2050.

Cam kết bền vững của BASF bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị, từ việc mua nguyên vật liệu có trách nhiệm và an toàn, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong sản xuất đến các giải pháp bền vững cho khách hàng, đối thoại và hợp tác để phát triển bền vững.

BSR có thể duy trì hợp tác với BASF để cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về các giải pháp giảm phát thải carbon mà BASF đang triển khai để xem xét áp dụng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. BATECO Việt Nam với giá trị cốt lõi “Khát vọng – Chia sẻ – Thấu hiểu”, đã không ngừng phát triển để trở thành đối tác uy tín của rất nhiều tập đoàn trong và ngoài nước.

Với năng lực và tầm nhìn dài hạn, BATECO sẵn sàng với vai trò kết nối của mình để BSR và BASF hiện thực hóa các giải pháp, mang lại những giá trị thực sự tương xứng với vị thế của cả 2 bên.