Nhà máy đường chậm thu mua, hàng trăm ghe mía mỏi mòn nằm chờ

NDO - Thông thường, ghe chở mía đến nhà máy chỉ mất 4-5 ngày là được thu mua, nhưng năm nay các ghe tàu đã neo đậu tại bến 10 ngày vẫn chưa được Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ thu mua khiến nhiều người bức xúc.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xót lòng chờ cân mía.
Nông dân xót lòng chờ cân mía.

Đến sáng 28/11, hàng trăm ghe mía ở Hậu Giang vẫn tiếp tục neo đậu hơn mười ngày qua, nhưng Nhà máy đường Phụng Hiệp của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vẫn chưa chịu cân. Cả chủ mía lẫn thương lái đều mỏi mòn chờ đợi, xót lòng vì mía ngày một khô héo, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng.

Hàng trăm ghe mía nằm chờ…

Ông Dương Văn Lộc, ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - chủ ghe chở thuê cho chủ mía ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, chiếc ghe của ông có tải trọng 50 tấn, đã hành nghề chở thuê mía hơn 20 năm qua, nhưng chưa gặp sự cố như niên vụ mía năm nay.

“Ghe tôi chở ăn dầu tấn, sau khi trừ tiền dầu và nếu được cân sớm thì cũng kiếm lời khoảng hơn hai triệu đồng cho mỗi chuyến. Nhưng do mía để trên ghe lâu ngày bị khô, khả năng đã giảm không dưới hai tấn, chưa kể chi phí ăn uống mấy ngày “ở không”, chắc chắn lỗ nặng”, ông Lộc nói.

Còn chị Sơn Thị Nàng, ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - chủ ghe chở thuê cho vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp, cho biết: “Vợ chồng tôi cũng chở mía thuê ra nhà máy và neo đậu chờ hơn 10 ngày qua. Mỗi ngày phải tiêu tốn gần 200 nghìn đồng tiền ăn uống. Bây giờ tiền nong sắp cạn, chỉ đủ sống thêm vài ngày nữa, nếu kéo dài thêm chắc phải đi mượn chủ mía…”.

Nhiều chủ ghe cho biết, ghe neo đậu chờ ít nhất cũng đã 8 ngày, số ghe neo chờ 15-18 ngày cũng không ít. Các chủ ghe chở mía đều đi theo thông báo của nhà máy là từ ngày 10/11 sẽ cân mía và vào vụ ép ngày 14/11. Nhưng không biết vì lý do gì mà nhà máy không cân và cũng không được nhà máy giải thích, hỏi bảo vệ thì nói không biết!?

Nhiều chủ mía ở vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp cũng tỏ ra bức xúc vì mía đốn chở tới cảng nhà máy rồi mà để phơi nắng nhiều ngày như thế, làm sao không ảnh hưởng đến chất lượng mía!

Nhà máy đường chậm thu mua, hàng trăm ghe mía mỏi mòn nằm chờ ảnh 1

Nhiều ghe mía neo đậu chờ cân mía tại Nhà máy.

Nhà máy nói gì

Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi trực tiếp đến nhà máy đường Phụng Hiệp, gặp Tổng Giám đốc Công ty Casuco, ông Trần Vĩnh Chung.

Theo lý giải của ông Chung, thông báo đúng là ngày 10/11 nhà máy sẽ cân mía và ngày 14/11 chính thức vào vụ ép và giá thu mua mía nguyên liệu là 1.300 đồng/kg mía đạt 10 CCS (chữ đường) tại cầu cảng, cùng với chính sách tăng 10 đồng/kg cho mỗi 0,1 chữ đường tăng thêm.

Tuy nhiên, do thời điểm này lượng mía về nhà máy còn quá ít, không đủ để khởi động cả dây chuyền sản xuất. Bởi vì, với công suất của nhà máy là 3.000 tấn mía cây/ngày và hoạt động liên tục trong 48 giờ mới ra đường, trong khi thời điểm đó, mía về chỉ khoảng 500 tấn.

Ông Chung nói: “Chúng tôi cũng biết, các ghe mía về tới nhà máy mà để lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mía. Do đó, chủ trương của công ty là tăng giá thu mua lên 1.380 đồng/kg đối với mía đạt 10 CCS tại cầu cảng, đồng thời đưa ra mức giá thu mua xô với giá 1.350 đồng/kg, tùy bà con lựa chọn hình thức cân mía. Đây cũng là chính sách nhằm hỗ trợ phần nào thiệt hại cho nông dân vì thời gian để mía chờ lâu”.

Ông Chung cho biết thêm, hiện tại qua thống kê số lượng ghe mía về nhà máy cơ bản đạt khoảng 4.200 tấn, mặc dù chưa đạt với mức yêu cầu theo công suất là 6.000 tấn, nhưng công ty cam kết tối nay sẽ bắt đầu nâng áp lò hơi và sáng mai (29/11) tiến hành cân mía và chính thức vào vụ ép.

Từ cách tổ chức vào vụ ép của nhà máy chưa thật sự phù hợp, gây bức xúc và giảm niềm tin, ảnh hưởng đến mối liên kết lâu dài giữa doanh nghiệp với người trồng mía. Hy vọng Nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ thực hiện vào vụ ép sớm, đúng với cam kết nêu trên.

Theo ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Công ty Casuco: Giá thành sản xuất mía niên vụ này khoảng 950 đồng/kg. Với giá thu mua của nhà máy, nông dân có lãi khoảng 400 đồng/kg.

Vùng nguyên liệu của nhà máy chủ yếu là ở Phụng Hiệp khoảng 800 ha, ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) khoảng 60 ha và huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) 64 ha. Đối với kế hoạch sản xuất của công ty trong niên vụ này là 80.000 tấn mía, nhưng khả năng chỉ đạt khoảng 50.000 tấn mía.