Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng đi vào hoạt động

NDO -

Ngày 22/6, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm 15 thành viên.

Công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Sóc Trăng.
Công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng làm Trưởng Ban. Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sắc làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Các phó ban và ủy viên Ban chỉ đạo được cơ cấu theo theo hướng dẫn trong Quy định 67 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị đã thông qua Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng; thông qua quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban chỉ đạo. 

Phát biểu tại buổi ra mắt, đồng chí Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là sự nối dài của Ban Chỉ đạo Trung ương, thể hiện sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, tuyệt đối tuân thủ và chấp hành chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm tham mưu và chuẩn bị theo chức năng, nhiệm vụ các báo cáo trước Thường vụ Tinh ủy, ban hành các văn bản liên quan như quy chế làm việc, kế hoạch năm và phân công nhiệm vụ các thành viên trong ban chỉ đạo. 

Theo Tỉnh ủy Sóc Trăng, từ năm 2011-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 20 văn bản để triển khai thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khi đó, lãnh đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, địa phương đã tổ chức 10.326 cuộc triển khai quán triệt các văn bản quy định của Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều hình thức phù hợp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và đã tổ chức 37 cuộc kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. 

Đồng thời, lồng ghép kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn. Nhờ vậy, 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được phát hiện qua 246 nguồn tin được chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật; trách nhiệm phối hợp trong giải quyết giữa các đơn vị ngày càng chặt chẽ, kịp thời.