“Nhà khoa học của nhà nông” 92 tuổi

NDO -

Tại Chương trình “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ ba năm 2020, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam sẽ tôn vinh 68 cá nhân tiêu biểu, có nhiều cống hiến, đóng góp to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong số đó, có một “Nhà khoa học của nhà nông” năm nay đã 92 tuổi.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Chương trình xét chọn và tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ ba - năm 2020 do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Được triển khai trên toàn quốc từ tháng 5 đến 11 vừa qua, chương trình đã xét chọn được 68 “Nhà Khoa học của Nhà nông” tiêu biểu năm 2020. Trong đó, có 14 đại biểu nữ, 54 đại biểu nam; người cao tuổi nhất là 92 tuổi, người trẻ nhất là 30 tuổi.

Đáng chú ý, có GS, TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, với hàng loạt đóng góp về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp như nhân giống chuối, mía, các cây lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô; tạo dòng thuần từ bao phấn ngô để chọn tạo giống... Ông còn là đồng tác giả của 19 giống cây trồng mới.

Về lĩnh vực nghiên cứu thuốc thú ý, có thể kể tới PGS, TS Lê Văn Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thuốc thú y Năm Thái. Ông là chủ biên và từng tham gia biên soạn tới 21 đầu sách các loại, đã được áp dụng vào thực tiễn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi - thú y vào sản xuất. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu, chế tạo thành công hơn 120 loại thuốc thú y đặc trị.

Cùng với các nhà khoa học từ những viện, trường, trung tâm nghiên cứu, còn có 14 “nhà khoa học không chuyên” là những nông dân có sáng chế, sáng kiến được ghi nhận và được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Tiêu biểu, có anh Nguyễn Văn Hưng, SN 1987, hiện là chủ một xưởng gia công, chế tạo bộ dụng cụ leo dừa tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Bằng sức sáng tạo cá nhân, anh đã chế tác, sản xuất hơn 15 nghìn bộ dụng cụ leo dừa cho các hộ nông dân trên cả nước, nhiều nhất là tại các tỉnh Bến Tre, Bình Định, Kiên Giang, Tiền Giang, Phú Yên…

Với bộ dụng cụ đặc biệt của anh Hưng, các nhà nông đã tiết kiệm được tiền thuê nhân công hái dừa từ 20-30 nghìn đồng/cây/lần thu hoạch. Bộ dụng cụ còn được anh Hưng cải tiến để phục vụ ngành viễn thông, sửa chữa điện và các khu resort, sân golf; thậm chí được nông dân trồng dừa ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Canada, Mỹ, Australia... đón nhận nồng nhiệt.

Dự kiến, Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2020 sẽ diễn ra vào tối 29-12, tại Thủ đô Hà Nội.