Nguyễn Sáng - Danh họa yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng

NDO - Họa sĩ Nguyễn Sáng, một con người có sự nghiệp lẫy lừng trong nền hội họa Việt Nam, một trong hai bộ tứ huyền thoại của mỹ thuật Đông Dương “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”, yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng, và cũng là người cô đơn đến hơi thở cuối cùng. Những câu chuyện về ông đã được hai họa sĩ thế hệ sau là Đặng Thị Khuê và Lương Xuân Đoàn chia sẻ trong buổi Art Talk của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sáng.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Đặng Thị Khuê trao cho Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh những tư liệu về họa sĩ Nguyễn Sáng.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê trao cho Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh những tư liệu về họa sĩ Nguyễn Sáng.

Một sự nghiệp hội họa đồ sộ

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, danh họa Nguyễn Sáng là tác giả duy nhất cho đến nay có tới 2 tác phẩm được công nhận là Bảo vật quốc gia, là bức “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được công nhận năm 2013, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và bức “Thanh niên thành đồng”, được công nhận năm 2017, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Sáng - Danh họa yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng ảnh 1

Bức "Kết nạp Đảng ở Điện Biên", Bảo vật Quốc gia, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh ngày 1/8/1923 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Năm 13 tuổi, ông học trường Trung học trang trí Mỹ thuật Gia Định hệ 4 năm. Năm 1938, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12-1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng tài năng hội họa của mình phục vụ kháng chiến.

Nguyễn Sáng - Danh họa yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng ảnh 2

Bức "Thanh niên thành đồng", Bảo vật Quốc gia, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Nguyễn Sáng mạnh cả hai thể loại sơn mài và sơn dầu và cũng đem đến nhiều cách tân trong hai thể loại này. Ông có những đóng góp rất lớn trong hội họa với những sáng tạo về sơn mài, như bổ sung vào sơn mài bảng màu vàng, xanh, diệp lục với cách diễn tả phong phú, sử dụng sơn mài để biểu đạt những đề tài hiện đại như cuộc sống đời thường, chiến tranh, cách mạng…

Ngoài ra, ông còn là người khai phá thành công phong cách nghệ thuật hội họa hiện đại châu Âu.

Nguyễn Sáng đã đạt tới đỉnh cao của thời kỳ nghệ thuật hiện thực. Nghệ thuật của ông đã lưu dấu trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, định vị vị thế của một tài năng xuất chúng.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê

Họa sĩ Nguyễn Sáng còn là là bậc thầy về mô tả, làm nổi bật cả tính cách lẫn đặc điểm của nhân vật. Các tác phẩm của ông có đề tài rất phong phú, từ chiến tranh cách mạng, cuộc sống của người lính, cho đến phong cảnh, phụ nữ, hoa, đặc biệt là hoa sen… Về thể loại chiến tranh, ông có các tác phẩm “Giặc đốt làng tôi”, “Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ”, “Hành quân đêm mưa”, “Bộ đội nghỉ trưa trên đồi”, “Thành đồng Tổ quốc”… Thể loại phong cảnh, đời sống, ông có “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Chùa Tháp Phổ Minh”, “Pác Bó”, “Thiếu nữ trong vườn chuối”, “Đấu vật”, “Chọi trâu”, “Thánh Gióng”, “Múa vòng”…

Nguyễn Sáng - Danh họa yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng ảnh 3

Bức "Trú mưa" của họa sĩ Nguyễn Sáng được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Sáng cũng là người thiết kế bộ tem bưu chính đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, phát hành năm 1946, thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiện tại, họa sĩ Nguyễn Sáng có khoảng hơn 20 tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một vài bức trong số đó được treo phục vụ công chúng, trong đó có bức tranh Bảo vật quốc gia “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”.

Nguyễn Sáng - Danh họa yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng ảnh 4
Tranh "Chùa Tháp Phổ Minh" của họa sĩ Nguyễn Sáng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ mất ngày 16/12/1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 65 tuổi. Năm 1996, ông đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt 1. Tên tuổi của họa sĩ cũng được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp.

Một tâm hồn cô đơn và yêu Hà Nội

Họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Ban thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam vốn là người em thân thiết của họa sĩ Nguyễn Sáng. Bà đã có 10 năm gắn bó với họa sĩ, hiểu được tường tận con người, tính cách, tình cảm và cả những buồn thương cả cuộc đời ông. Họa sĩ Đặng Thị Khuê và họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã chia sẻ những kỷ niệm về danh họa trong thời gian ông sinh sống tại Hà Nội.

Nguyễn Sáng - Danh họa yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng ảnh 5

Bức "Nghỉ trưa" của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Nói về danh họa Nguyễn Sáng, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét: “Đó là một cơ duyên đặc biệt của Hà Nội đối với một họa sĩ như Nguyễn Sáng”. Ông vẫn còn nhớ như in những năm tháng họa sĩ Nguyễn Sáng sinh sống ở ngôi nhà nghệ sĩ số 65 Nguyễn Thái Học. Bảng vẽ của ông là nền nhà căn phòng vỏn vẹn 13m2. Ông đã vẽ rất nhiều trên sàn bằng phấn, vẽ xong rồi lại xóa đi cho đến khi nào ưng ý mới đưa lên tranh.

Cũng chính trên sàn nhà 13m2 này, họa sĩ Nguyễn Sáng đã sáng tác ra những bức tranh sơn mài khổ lớn, trong đó nhiều bức hiện đang treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cuộc đời của ông lành sạch trong lặng lẽ, và lành sạch cả khi sáng tác nghệ thuật. Đó là bài học ông để lại cho những thế hệ sau.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Nhắc đến họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Đặng Thị Khuê không thể không nhớ đến triển lãm cá nhân đầu tiên của ông diễn ra năm 1984, do Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tổ chức. Ông đã rất hạnh phúc và coi ngày triển lãm như ngày sinh thứ 2 của mình. Khi đó, để có được đủ tranh cho họa sĩ, những người tổ chức triển lãm đã phải chạy đôn đáo khắp ngoài bắc trong nam để mượn tranh của ông. Hơn 100 bức tranh được mượn từ rất nhiều nguồn được trưng bày tại triển lãm, cũng chỉ phần nào nói lên được sự nghiệp hội họa đồ sộ của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Nguyễn Sáng - Danh họa yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng ảnh 6

Họa sĩ Đặng Thị Khuê giới thiệu chiếc áo dài 40 năm trước tại triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Sáng, nay được con gái bà mặc lại.

Riêng với họa sĩ Đặng Thị Khuê, bà không thể quên được một kỷ niệm đặc biệt với họa sĩ Nguyễn Sáng tại triển lãm tranh. Đó là lời đề nghị “Em gắng mặc chiếc áo dài và đứng cạnh anh hôm khai mạc nhé” của danh họa.

Nguyễn Sáng - Danh họa yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng ảnh 7

Họa sĩ Nguyễn Sáng và họa sĩ Đặng Thị Khuê. (Ảnh do họa sĩ Lương Xuân Đoàn lưu giữ)

Sau này bà mới hiểu, đó có lẽ là tình cảm, sự gắn bó của ông với mảnh đất Hà Nội, mà sau triển lãm, ông phải rời xa để vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đó cũng là tình cảm lưu luyến của họa sĩ với người vợ đã khuất của mình. “Khi đó, đất nước còn vô vàn khó khăn, chiếc áo dài là một thứ vô cùng xa xỉ, tôi phải giấu chiếc áo vào trong túi và len lén đi thay trước giờ khai mạc. Chỉ khi thấy tôi trong tà áo dài, anh mới chính thức tuyên bố khai mạc triển lãm” - họa sĩ Đặng Thị Khuê kể lại.

Tôi chẳng có gì đâu ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng.

Họa sĩ Nguyễn Sáng (phát biểu khai mạc triển lãm cá nhân năm 1984)

Trái với sự nghiệp đồ sộ, cuộc đời họa sĩ Nguyễn Sáng lại rất cô đơn, lặng lẽ, nhất là từ sau cái chết của vợ ông. Ông sống một mình trong căn buồng nhỏ ở số nhà 65 Nguyễn Thái Học, và nhiều người ở đó đã quen với hình dáng của họa sĩ ngồi một mình dưới gốc bàng, hoặc liêu xiêu đi từ quán Thủy Hử phía ngõ Yên Thế về.

Căn nhà số 65 Nguyễn Thái Học cũng là nơi ở của rất nhiều văn nghệ sĩ, họa sĩ nổi tiếng như các cây đại thụ của mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, các họa sĩ Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... ngoài ra còn có những người từng đến rồi đi như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, hoạ sĩ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng... Nhà phê bình Mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, con gái cố họa sĩ Mai Văn Hiến, trước có một thời gian sinh sống tại nhà số 65 kể lại, chị thường gặp hai họa sĩ Nguyễn Sáng và Trần Văn Cẩn ngồi dưới gốc cây bàng.

Nguyễn Sáng - Danh họa yêu Hà Nội đến hơi thở cuối cùng ảnh 8

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn xúc động khi chia sẻ về họa sĩ Nguyễn Sáng.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn không kìm được những giọt nước mắt xúc động khi kể về những năm tháng cuối đời của họa sĩ Nguyễn Sáng. Sau triển lãm cá nhân năm 1984, họa sĩ Nguyễn Sáng chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống cùng người em, nhưng không may, người em đó cũng qua đời. Ông lâm vào cảnh “trở đi mắc núi trở lại mắc sông”, muốn về Hà Nội nhưng sức khỏe và điều kiện kinh tế không cho phép. Ngày ngày ông cứ ngồi bệt trước cửa mà nhớ ra bắc, nhớ Hà Nội.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn kể, năm 1988, ông vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác, có ghé qua thăm họa sĩ Nguyễn Sáng. Ông đã chứng kiến cảnh họa sĩ tràn nước mắt khi nói về nỗi nhớ Hà Nội, về nỗi khát khao được trở lại Hà Nội. Sau đó không lâu, họa sĩ Nguyễn Sáng qua đời. Gần 40 năm sau, khi nhớ lại những hình ảnh đó, đến lượt họa sĩ Lương Xuân Đoàn rơi nước mắt.