Tranh giả bán với giá tranh thật
Ông Sơn cho biết, bức chân dung bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (vợ ông), đề ngày 30-4-1978 cũng là bức tranh lụa duy nhất của họa sĩ Nguyễn Sáng. "Từ lâu nay, không ai nghĩ ông Sáng có vẽ tranh lụa. Cùng thời điểm này, ông đã vẽ một bức chân dung mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Huê - người mà Sáng vẫn gọi thân tình là má, bằng sơn dầu, sở trường của ông" - ông Sơn nhớ lại.
Vốn là người quý trọng bạn bè, thỉnh thoảng ông Sơn có cho bạn mượn hai bức tranh. Ông cũng không hề nghĩ mình đang sở hữu hai bức tranh "độc" có trị giá cao.
Rồi một hôm ông nghe tin tại Singapore đã bán đấu giá một bức tranh lụa của Nguyễn Sáng vẽ thiếu nữ với giá 30 nghìn USD, mà nhân vật trong bức chân dung khá giống vợ ông.
Việc bán đấu giá xảy ra vào khoảng 1993-1994. Người thông tin đầu tiên chính là họa sĩ, NSƯT Nguyễn Trịnh Thái, hiện công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Ông Thái kể lại: "Tôi vẫn theo dõi thường xuyên các tạp chí đấu giá tranh ở nước ngoài. Khi xem bức tranh thì tôi ngờ ngợ vì hình như đã được xem nó tại nhà anh Bê (tức Nguyễn Trường Sơn), là con trai của ông Kim Sơn. Tôi tìm cách liên lạc thì mới phát hiện ra tranh đấu giá ở Singapore là giả".
Nhưng bức tranh cũng đã được bán cho một nhà sưu tập người Đức. Sự việc này bằng nhiều cách đã đến tai nhà sưu tập nói trên. Ông này đã qua Việt Nam để kiểm chứng thông tin. "Vào Sài Gòn, ông ấy đã đến nhà tôi xin được xem tận mắt bức tranh, rồi chụp ảnh với nguyên mẫu là mẹ tôi!" - anh Bê nhớ lại. Sau đó, nhà sưu tập sang Singapore kiện nơi bán đấu giá buộc phải trả lại tiền cho ông. "Theo tôi biết, bức tranh giả trên bán ra từ bộ sưu tập của ông H.T.C. Ông này đã mất..." - họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái tiết lộ thêm.
Giữ tranh thật hóa thành... tranh giả
Nhưng một sự việc trớ trêu đã xảy ra, chưa kịp mừng vì giữ được "tranh vợ" thì ông Nguyễn Kim Sơn lại mất "tranh mẹ". Khi ông Sơn và gia đình kiểm tra bức sơn dầu Nguyễn Sáng vẽ chân dung mẹ mình thì phát hiện ra là tranh giả!
Vậy tranh thật bị mất từ bao giờ? "Có thể trong thời gian nhà tôi đang sửa chữa, có kẻ chủ ý đánh tráo vào khoảng cuối năm 1997” - anh Bê nói với sự nuối tiếc, ân hận. Bức tranh giả tuy được chép khá giống nhưng màu sơn còn mới, vô hồn, thiếu cảm xúc.
Anh Bê quả quyết: "Không thể nào giả được tranh của Nguyễn Sáng. Đặc biệt là chữ ký!". So sánh hai mẫu chữ ký thật và giả trên hai bức tranh, chúng ta có thể thấy chữ ký thật của Nguyễn Sáng mềm mại, phóng khoáng hơn. Độ đậm nhạt của chữ rất logic theo đường đi của nét cọ. Không như chữ ký giả thô, cứng một cách cố tình, bắt chước.
Cuộc đánh tráo này càng có cơ sở hơn khi qua phản ánh của giới sưu tập, có người đã tận mắt nhìn thấy bức tranh thật thoáng xuất hiện trên thị trường Sài Gòn. Liệu nó đã được bán ra nước ngoài?
Nguyện vọng của ông Nguyễn Kim Sơn là rất muốn được thỏa thuận với người đang giữ bức tranh trên. Ông nói: "Người cho chuộc lại bức chân dung sẽ là ân nhân của gia đình tôi! Bởi tôi nghĩ bức tranh không chỉ là kỷ niệm riêng mà là tác phẩm của một họa sĩ tài danh, là di sản quý báu của hội họa Việt Nam. Nó rất xứng đáng được giữ gìn để khi có dịp sẽ trưng bày cho mọi người yêu hội họa chiêm ngưỡng!".
Trăn trở của ông Sơn cũng là mong muốn của người yêu nghệ thuật đích thực. Bạn đọc có thông tin hoặc muốn biết thêm về sự kiện hai bức tranh có thể liên lạc số điện thoại: 098.9063938.