Tối 31-10, Công ty quảng cáo Trẻ đã tổ chức một buổi "tập dượt" lần thứ nhất cho "phố văn hóa đêm". Một loạt dàn đèn sáng trưng chiếu vào trước cửa số nhà 65 Nguyễn Thái Học, hai bên cửa nhà là hai cửa hàng sách, trên tường treo những bộ lịch Bính Tuất mới coóng với hình con chó vàng lấp lánh. Người ra vào nhộn nhịp, các thiếu nữ mặc váy đỏ tươi cười ríu rít chào mời với những người lạ tò mò dừng lại trước đoạn phố vốn vẫn chỉ mờ mờ ánh đèn phố nay đột nhiên sáng lên như ngày hội...
Phố Nguyễn Thái Học gắn liền với nhiều di tích lịch sử văn hóa của thủ đô như Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bảo tàng Mỹ thuật... Vài năm nay, con phố này trở thành nơi tập trung các cửa hàng kinh doanh văn hóa phẩm và dịch vụ phục vụ nghệ thuật... nhưng hầu hết chỉ diễn ra vào ban ngày. Điều này hơi "phí", bởi các cửa hàng kinh doanh các sản phẩm văn hóa cần được trưng bày và bán buổi tối, dưới ánh đèn được bố trí khéo léo, các bức tranh sẽ có mầu sắc khác hẳn. Và "bức tranh đêm" của thành phố rất cần những loại cửa hàng và dịch vụ văn hoá phẩm như thế!
Sẽ không ảnh hưởng đến giao thông?
Các hộ kinh doanh và doanh nghiệp sẽ tự trang trí cửa hàng của mình, trưng thêm đèn đuốc phù hợp với các hoạt động văn hóa và kinh doanh ban đêm của toàn phố. Những đoạn tường rào xấu bẩn, những khoảng trống trên hè phố được các doanh nghiệp bỏ tiền ra trang trí lại. Trên các gốc cây của đoạn phố này được treo những pan giới thiệu về "phố văn hóa đêm", giới thiệu lịch Bính Tuất 2006... Việc tận dụng triệt để các mặt tiền và vỉa hè sẽ không '"đụng" gì đến giao thông trên phố Nguyễn Thái Học, là tuyến phố cửa ngõ đi vào trung tâm Hà Nội.
Ngoài việc lo việc bảo đảm trật tự an ninh, và vệ sinh cho tuyến phố, toàn bộ số kinh phí của hoạt động "phố văn hóa đêm" là do người dân và các doanh nghiệp tự bỏ ra. Chỗ gửi xe cho khách đến xem (nếu đông) sẽ được tổ chức trong ngõ Yên Thế (vốn là bãi gửi xe ban ngày, khi cấm dựng trên vỉa hè). Ngoại trừ số hộ dân có cửa hàng, tất cả các hàng rong "ăn theo"cũng sẽ kiên quyết bị dẹp...
Bà Đỗ Duy Nhiên, Phó Chủ tịch phường Điện Biên, cho biết phường rất ủng hộ hoạt động này nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuyến phố văn hóa này sẽ đặt yếu tố văn hóa lên hàng đầu để tạo nét riêng so với chợ đêm Đồng Xuân và phố ẩm thực. Nhưng điều mà phường đang lo là duy trì sự sống của phố văn hóa thế nào, đó là cả một vấn đề lớn.
Lễ khai trương "phố văn hóa đêm" sẽ diễn ra vào tối 5-11 với trò múa rồng, múa lân, ca nhạc dân tộc với vài "ông đồ" khăn đóng áo dài ngồi viết.
Ngôi nhà đặc biệt 65 Nguyễn Thái Học
Căn nhà số 65 Nguyễn Thái Học để làm "tâm điểm" cho đoạn "phố văn hóa đêm". Đây là một số nhà có một không hai trong lịch sử nhà ở Hà Nội, xứng đáng được Nhà nước mua lại làm bảo tàng!
Ngôi biệt thự 65 Nguyễn Thái Học vốn của cụ Cự Lĩnh, một chủ thầu khoán lớn của Hà Nội. Sau giải phóng thủ đô, biệt thự trở thành nơi ở và làm việc của một nhóm các họa sĩ và nhà điêu khắc (lúc đó Hội Mỹ thuật Việt Nam còn chưa thành lập). Các họa sĩ ở trong biệt thự này gồm có Văn Giáo, Văn Lý, Song Văn, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Mai Văn Hiến... Ngoài ra còn có nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Bổng, Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận... Số người đã từng đến ở đây thì nhiều, nhưng gắn bó và vinh danh cho số nhà trên là 10 nghệ sĩ với 6 giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng Nhà nước khác...
Nét duyên dáng của ngôi biệt thự Pháp này hiện nay không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, tháng 8-2004, số nhà được TP Hà Nội phong tặng là "Số nhà văn hóa". Ngày nay, cư dân "gốc" trong ngôi biệt thự chỉ còn lại một số người, và đồ đạc của các cố văn nghệ sĩ nổi tiếng vinh danh cho căn nhà cũng đã bị thay đổi nhiều. Từ năm 1954 đến nay, họa sĩ Mai Văn Hiến vẫn ở sân sau căn nhà với căn phòng rộng hơn 10m2 lâu ngày thấm mưa tường bị mốc không lúc nào khô ráo. Căn phòng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận thì nay con ông là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ở. Căn phòng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh có một người cháu ông đang ở. Những căn phòng nổi tiếng như căn phòng mấy m2 của họa sĩ Nguyễn Sáng cũng đã có người khác đến ở, vật dụng của ông chẳng còn gì.
Thiết nghĩ, cùng với chương trình "phố văn hóa đêm" do nhân dân đề ra, các cơ quan văn hóa có trách nhiệm cũng nên phối hợp "Nhà nước và nhân dân cùng làm để có một đề án bảo tồn đặc biệt cho "số nhà đặc biệt" 65 Nguyễn Thái Học.