Dịch sốt xuất huyết hiện đã lan rộng tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội với nhiều ổ dịch phức tạp. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh. Trong tuần từ ngày 8 đến 15/9, thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với tuần cuối tháng 8/2023.
Ngoài ra, thành phố ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca). Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có ba ca tử vong; so cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần bốn lần; số ca tử vong tương đương.
Dịch sốt xuất huyết hiện đã lan rộng tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội với nhiều ổ dịch phức tạp. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh.
Đáng chú ý, trong ba ca mắc sốt xuất huyết tử vong có hai bệnh nhân nữ không có bệnh nền, ca tử vong gần đây nhất chỉ mới 20 tuổi ở huyện Quốc Oai. Nữ bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau người vào ngày 28/8 và tự mua thuốc uống tại nhà. Ba ngày sau đó, gia đình mời nhân viên y tế đến nhà truyền dịch cho bệnh nhân. Xét nghiệm cho kết quả dương tính với sốt xuất huyết Dengue NS1.
Đến 5 giờ ngày 3/9, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở, mệt mỏi, được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai. 22 giờ ngày 3/9, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Mặc dù được điều trị tích cực, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu, duy trì thuốc vận mạch, nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân tử vong vào ngày 4/9.
Trước đó, một người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nội bị sốt cao, đau đầu dữ dội do sốt xuất huyết, song tự mua thuốc điều trị tại nhà, khi nhập viện đã tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, đe dọa tính mạng. Bệnh nhân nhập viện khi các triệu chứng sốt, đau đầu không thuyên giảm, dù tự uống thuốc bốn ngày, kèm chảy máu cam. Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Bác sĩ nhận định, tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.
Khỏe lại sau đợt ốm kéo dài, chị Lê Thị Thu Thương (ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) bàng hoàng khi đọc các thông tin về dịch sốt xuất huyết. Chị Thương cho biết, dù có nghe cảnh báo về dịch bệnh nhưng vẫn không mấy để tâm bởi nhà ở chung cư, lại ở tầng cao. "Trong nhà gần như không có muỗi, cho nên khi bị sốt cao kèm đau đầu, đau người, tôi nghĩ chắc do sốt vi-rút. Chủ quan vì không có bệnh nền, cho nên tôi không đi khám, mà chỉ mua hạ sốt uống, sau ba ngày thì hết sốt và bốn ngày thì hết đau người. Giờ bình phục lại và đọc các thông tin triệu chứng của bệnh nhân tử vong mà tự thấy "hú hồn" bởi sự chủ quan của mình"- chị Thương cho hay.
Bác sĩ Chu Đức Thành (Bệnh viện 19-8, Bộ Công an) khuyến cáo, người mắc sốt xuất huyết thường biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi trong ba ngày đầu. Từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm có thể giảm sốt, nhưng đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, bởi có thể xảy ra giảm tiểu cầu nặng gây các triệu chứng xuất huyết hoặc hội chứng thoát huyết tương. Nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến hội chứng sốc sốt xuất huyết Dengue, gây tổn thương suy đa phủ tạng, viêm phổi nặng.
Người mắc sốt xuất huyết thường biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi trong ba ngày đầu. Từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm có thể giảm sốt, nhưng đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, bởi có thể xảy ra giảm tiểu cầu nặng gây các triệu chứng xuất huyết hoặc hội chứng thoát huyết tương. Nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến hội chứng sốc sốt xuất huyết Dengue, gây tổn thương suy đa phủ tạng, viêm phổi nặng.
Bác sĩ Chu Đức Thành (Bệnh viện 19-8, Bộ Công an)
Vì vậy, khi bị sốt cao, người dân cần đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, khi có dấu hiệu cảnh báo như: Đau bụng, buồn nôn, nôn liên tục, chảy máu lợi và chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, mệt mỏi bồn chồn là biểu hiện của sốt xuất huyết chuyển nặng, cần phải đưa người bệnh tới ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, khi mắc sốt xuất huyết không tự ý đến các cơ sở y tế tư nhân truyền dịch, thuê người đến truyền dịch tại nhà. Trên thực tế đã có trường hợp tử vong khi mắc sốt xuất huyết tự ý truyền dịch tại nhà.
Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, người mắc sốt xuất huyết, người sốt cao thường nghĩ truyền dịch, bù dịch sẽ tốt, nhưng đó là sai lầm. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh muỗi đốt; nhất là không được chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.