Cùng suy ngẫm

Mối nguy hiểm từ thuốc lá điện tử

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ có xu hướng sử dụng loại thuốc lá điện tử thay cho thuốc lá điếu truyền thống. Thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng mới mẻ, dễ sử dụng và có nhiều hương vị hấp dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trên thị trường, nhất là ở các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về thuốc lá điện tử, có sức thu hút, hấp dẫn giới trẻ muốn thể hiện “chất chơi” khi “tô vẽ” đây là sản phẩm ít độc hại hơn thuốc lá điếu truyền thống; đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng vì không làm ảnh hưởng đến người chung quanh do khói có mùi thơm và ít độc hại.

Về hình dáng cơ bản, thuốc lá điện tử ban đầu có dạng hình như điếu thuốc hoặc thỏi son, song gần đây được thiết kế theo bất kỳ một hình dạng nào, thoạt nhìn rất bắt mắt và vô hại, đa dạng hương vị nhẹ nhàng cho bất kỳ bạn trẻ nào cũng có thể dùng thử, dễ chịu hơn nhiều so thuốc lá truyền thống.

Nhưng về cơ chế hoạt động, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng khoang chứa dung dịch có chất nicotine hoặc thành phần thuốc lá, chất tạo mùi, rồi hóa hơi với nhiều hương vị (bạc hà, cam, dâu tây, sô-cô-la, caramen,...) để người sử dụng hít vào. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, trong thuốc lá điện tử, hàm lượng chất gây hại như nicotine, CO, benzopyren,... lớn gấp nhiều lần thuốc lá điếu.

Nguy hiểm hơn, để “tăng độ”, nhiều bạn trẻ tự ý cho thêm các chất hướng thần, gây nghiện, gây ảo giác vào dung dịch này để kích thích sự hưng phấn khi sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về lối sống, sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Thuốc lá điện tử ra đời và phát triển đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện bản thân của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập vào môi trường học đường. Tai hại ở chỗ, nhiều bạn trẻ khá ngây thơ tin vào việc “thuốc lá điện tử rất an toàn so với hút thuốc lá điếu”.

Việc sử dụng thuốc lá điện tử không kiểm soát trong giới trẻ hiện nay thật sự là vấn đề đáng báo động, nếu sử dụng liên tục và thường xuyên vẫn gây nghiện, làm tổn thương phổi không thể phục hồi, hoặc gặp các bệnh liên quan tim mạch, đột quỵ, nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá thông thường, thậm chí tử vong.

Tại Việt Nam, theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng nhiều, tăng lần lượt từ 11,7% (năm 2017) lên 27% (năm 2019); trong đó nhóm 13-15 tuổi chiếm khoảng 3,5%.

Việc sử dụng thuốc lá điện tử không kiểm soát trong giới trẻ hiện nay thật sự là vấn đề đáng báo động, nếu sử dụng liên tục và thường xuyên vẫn gây nghiện, làm tổn thương phổi không thể phục hồi, hoặc gặp các bệnh liên quan tim mạch, đột quỵ, nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá thông thường, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sử dụng pin làm nóng và tạo ra dạng hơi, có nguy cơ gây ra nổ thiết bị sạc điện, rất dễ làm người sử dụng bị bỏng hoặc bị các tai nạn khác.

Tác hại của thuốc lá điện tử đã được cảnh báo rất nhiều lần trong gần 10 năm qua, nhưng tỷ lệ sử dụng không những không giảm xuống mà còn tăng nhanh, đòi hỏi các cơ quan liên quan sớm tìm ra biện pháp quản lý chặt chẽ, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không thể chỉ dừng lại ở mức vận động, cảnh báo hoặc thu giữ và xử phạt hành chính.

Với những hậu quả về sức khỏe tâm thần rất thực tế, nhiều người đặt ra câu hỏi cần làm gì để giải quyết tình trạng này. Nhiều bậc cha mẹ và chuyên gia y tế đề xuất, nên cấm sử dụng sản phẩm này ở nước ta để phù hợp xu hướng thế giới.

Đồng thời, các cơ quan chức năng sớm xem xét hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan, có giải pháp quản lý chặt chẽ nhằm bịt “khoảng trống” hiện nay do các sản phẩm thuốc lá điện tử được bày bán tràn lan trên thị trường đều là hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ do Việt Nam chưa cấp phép lưu hành và kinh doanh thuốc lá điện tử.