Thuốc lá điện tử tấn công giới trẻ: Cần hành lang pháp lý chặt chẽ

NDO -

Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử làm gia tăng nguy cơ hút thuốc lá truyền thống, sử dụng bất hợp pháp ma túy được trộn lẫn trong thuốc lá điện tử. Bộ Y tế đề xuất cấm mua bán, kinh doanh sản phẩm này trên thị trường để tránh những hậu quả không thể kiểm soát được trong tương lai.

0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới làm gia tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống.
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới làm gia tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống.

Sáng 27/4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì hội thảo.

Thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ sử dụng ma túy bất hợp pháp

Năm 2020 cho thấy, một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho hay, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).

Theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019” của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, (ở học sinh khu vực thành thị là 3,4%).

Năm 2020, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.

Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nam giới hút thuốc lá điếu. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến nữ giới và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá đã và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.

Việc gia tăng sử dụng thuốc lá truyền thống, sẽ làm tăng nguy cơ hút thuốc lá truyền thống tăng nguy cơ sử dụng rượu và uống rượu say, và sử dụng ma túy bất hợp pháp ở những thanh niên đang sử dụng thuốc lá điện tử mà trước đây chưa từng có ý định hút thuốc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.

Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Điều tra ở Mỹ cho thấy 30,6% thanh thiếu niên (lớp 6-12) sử dụng thuốc lá điện tử đã từng phối trộn chất ma túy từ cây cannabis với dung dịch điện tử.

"Việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử, tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh", ông Nguyên cho hay.

Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.

Ở Việt Nam, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy phối trộn trong thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

Cần chế tài quản lý chặt chẽ thuốc lá điện tử

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Cương, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát tội phạm về ma túy, Bộ Công an, hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý để quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Bên cạnh đó, thuốc lá thế hệ mới chưa được phân loại hàng hóa, định danh cụ thể tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu…

Kể từ khi du nhập vào Việt Nam từ năm 2015, thuốc lá điện tử chủ yếu đưa về Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu, mua bán kinh doanh sản phẩm dưới nhiều hình thức.

Năm 2022, công an đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng núp bóng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; trong đó ma túy được “tẩm ướp” vào thảo mộc, thuốc lá điện tử đã xử lý 32 vụ, 58 đối tượng.

“Chúng tôi ghi nhận gia tăng tình trạng ma túy “núp bóng” dưới hình thức các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường. Nổi lên là việc tội phạm thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp các chất kích thích, ma túy mới dưới dạng thảo mộc hoặc dung dịch để sử dụng dưới dạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Người sử dụng các loại hàng hóa pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, ông Cương cho hay.

Để bảo vệ sức khỏe giới trẻ, phòng ngừa hiệu quả việc các đối tượng lợi dụng các sản phẩm thuốc lá mới để hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án cấm thuốc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đồng quan điểm này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam khuyến cáo, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên, không nên cho phép thí điểm lưu hành các sản phẩm này trên thị trường.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đó là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

"Việc cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới phù hợp với xu hướng các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và điều kiện của Việt Nam.

Việc cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự, gây tốn kém ngân sách, giảm thu thuế, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và chưa đủ điều kiện kỹ thuật để thực hiện trong khi sản phẩm này chỉ gây tác hại", bà Trang nói.

Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan hữu quan đồng thuận quan điểm các mặt hàng có hại cho sức khỏe cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ chế pháp lý và chưa đủ điều kiện để kiểm soát được việc nhập khẩu, mua bán, sử dụng thuốc lá mới thì trước mắt chưa cho phép mua bán, kinh doanh sản phẩm này trên thị trường để tránh những hậu quả không thể kiểm soát được trong tương lai.

Năm 2022, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc thực hiện hơn 21.90 vụ kiểm tra, xử lý trên 1.600 vụ, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 126.000 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 10.000 sản phẩm các loại. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 7,7 tỷ đồng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với khoảng 7.200 sản phẩm thuốc lá điện tử.