Nguy cơ khủng hoảng ngân sách ở Đức

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã hủy chuyến công du Trung Đông để tập trung vào các cuộc đàm phán trong nước về vấn đề ngân sách năm 2024 sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, việc Chính phủ Đức chuyển 60 tỷ euro tồn đọng trong quỹ Covid-19 sang sử dụng cho mục đích khác là vi hiến. Chính phủ Đức tỏ ra lo lắng do sắp tới cần nhiều tiền để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Đức trên đường phố. (Ảnh: Reuters)
Người dân Đức trên đường phố. (Ảnh: Reuters)

Vấn đề ngân sách của Đức trở nên “nóng” sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, cũng như những tuyên bố cứng rắn của phe bảo thủ đối lập rằng không khoan nhượng trong đàm phán ngân sách. Chính vì thế, Bộ trưởng Habeck đã phải ngay lập tức hủy chuyến công du tới một loạt quốc gia Trung Đông, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman, Israel và Saudi Arabia.

Phán quyết này khiến Quốc hội Đức hoãn phiên họp để xem xét thông qua dự thảo luật ngân sách năm 2024, đồng thời buộc Chính phủ Đức phải cân nhắc lại các ưu tiên trong chi ngân sách, tái phân bổ tài chính hoặc tiết kiệm chi tiêu. Trong trường hợp ngân sách năm tới không được thông qua trong năm 2023, Chính phủ Đức sẽ phải sử dụng ngân sách khẩn cấp vào đầu năm 2024. Sau quyết định của tòa án, Chính phủ Đức đã đình chỉ phần lớn dự án được tài trợ thông qua Quỹ biến đổi khí hậu và tiến hành “đóng băng” các khoản chi trong thời gian còn lại của năm 2023.

Tòa án Hiến pháp cho rằng quyết định của Chính phủ Đức phân bổ lại 60 tỷ euro chưa sử dụng trong đại dịch Covid-19 sang Quỹ biến đổi khí hậu là vi hiến. Phán quyết này cũng ảnh hưởng tới các quỹ ngoài ngân sách khác mà Đức đã áp dụng nhiều năm qua để tài trợ cho chính sách “phanh nợ” nhằm hạn chế mức thâm hụt ngân sách công vượt quá 0,35% GDP. Chính sách “phanh nợ” của Đức được áp dụng từ năm 2009, dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính sách này được miễn thực thi giai đoạn 2020-2022 để có thể gia tăng các khoản chi tiêu công khẩn cấp đối phó cuộc khủng hoảng. Năm 2023, chính sách này được áp dụng trở lại và là lý do Tòa án Hiến pháp Đức không chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng số tiền 60 tỷ euro nói trên.

Phán quyết của tòa án được cho là có thể tiếp tục tác động đến kế hoạch tài chính của Chính phủ Đức trong năm tới, thậm chí cho đến năm 2027. Sau ba năm chi tiêu “mạnh tay” để đối phó đại dịch và những tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, Chính phủ Đức đang áp dụng các biện pháp cắt giảm chi ngân sách trên diện rộng. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner tuyên bố quyết tâm giảm nợ bằng bất cứ giá nào; nhấn mạnh năm 2024, chỉ riêng việc trả lãi vay sẽ ngốn 37 tỷ euro của Chính phủ Đức.

Bất chấp tình trạng khủng hoảng đang đè nặng lên ngân sách, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn khẳng định sẽ đầu tư mạnh vào quá trình hiện đại hóa và chuyển đổi xanh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Việc trả lãi vay khiến Chính phủ Đức lâm vào cảnh khó khăn chồng chất, bởi dự thảo luật ngân sách năm 2024 trình Quốc hội phê duyệt chỉ “vỏn vẹn” 445 tỷ euro, ít hơn ngân sách năm nay 30 tỷ euro. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Lindner đề xuất cắt giảm các khoản chi tiêu xã hội, tài trợ quỹ khí hậu quốc tế và một số trợ cấp để lấp đầy phần thâm hụt ngân sách.

Bất chấp tình trạng khủng hoảng đang đè nặng lên ngân sách, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn khẳng định sẽ đầu tư mạnh vào quá trình hiện đại hóa và chuyển đổi xanh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này, đồng thời áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm khôi phục tăng trưởng, bao gồm hiện đại hóa nền kinh tế và hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng, trong đó có những khoản trợ cấp giúp các nhà máy thép chuyển đổi sang sử dụng hydro xanh, cũng như đầu tư vào các nhà máy pin và vi mạch.

Tuy nhiên, vấn đề là phe đối lập nhiều khả năng không nhất trí với các đề xuất mới, khiến liên minh cầm quyền khó có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngân sách.

Ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đe dọa sẽ đưa ra thách thức pháp lý nếu chính phủ của Thủ tướng Scholz cố đình chỉ phanh nợ một lần nữa vào năm 2024 bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp. Cuộc khủng hoảng ngân sách càng như “đổ dầu vào lửa” sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Đức suy giảm năm 2023 và phục hồi nhẹ với mức tăng trưởng khiêm tốn 0,6% trong năm tới.