Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở ở khu vực Tây Nguyên

NDO - Dự báo trong sáng nay (21/5), khu vực các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận và Bình Phước có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (21/5), khu vực các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận và Bình Phước đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Đắk RTih 117 mm, Đăk Mool 99,6 mm (Đắk Nông); Đam Rông 55,6 mm, Đạ Pal 51,2 mm (Lâm Đồng); Đồng Nai 93,2 mm (Bình Phước),...

Dự báo trong sáng nay, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa tích lũy như sau: Đắk Nông và Bình Phước phổ biến từ 20-40mm, có nơi hơn 60mm; Lâm Đồng phổ biến từ 10-30mm, có nơi hơn 40mm; Bình Thuận phổ biến từ 10- 30mm, có nơi hơn 50mm .

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các khu vực:

Tỉnh

Huyện

Đắk Nông

Đắk Glong, Đắk Mil, Đắk R'Lấp, Đắk Song, Gia Nghĩa, Tuy Đức

Lâm Đồng

Lâm Hà, Cát Tiên, Đạ Tẻh, thành phố Đà Lạt, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Lạc Dương, Đam Rông

Bình Thuận

Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc

Bình Phước

Bình Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Lộc Ninh

Cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có khả năng tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện.

Ngoài ra, lũ quét, sạt lở đất có thể phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất và hoạt động kinh tế-xã hội.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố ở các khu vực trên triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.

Các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.