Nguồn vật liệu “cản bước” tiến độ thi công đường cao tốc

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan vào cuộc tháo gỡ, sau gần 11 tháng triển khai, dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II) đã đạt sản lượng gần 12% giá trị các hợp đồng. Tuy nhiên, kết quả tiến độ thi công này vẫn chưa đạt mục tiêu kỳ vọng mà cản trở lớn nhất là thiếu nguồn vật liệu cát và đất đắp.
0:00 / 0:00
0:00
Sà-lan nhận cát tại mỏ giao theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công đoạn đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
Sà-lan nhận cát tại mỏ giao theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công đoạn đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.

Khó khăn, vướng mắc cản trở việc hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ vật liệu cho các dự án thành phần cao tốc bắc-nam (giai đoạn II) là các bên không đạt được đồng thuận về giá chuyển nhượng, thuê đất,...

Vướng thủ tục chuyển nhượng

Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam (giai đoạn II) gồm 12 dự án thành phần, do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản. Hiện tại, các địa phương đã bàn giao gần 668 km mặt bằng, đạt gần 93%, tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công đạt hơn

630 km, đạt hơn 87%. Sản lượng thi công các dự án đạt hơn 11.300 trên tổng số gần 96 nghìn tỷ đồng (bằng gần 12% giá trị hợp đồng), chậm gần 1,3% so với kế hoạch mà nguyên nhân chủ yếu được xác định do thiếu nguồn vật liệu đắp.

Theo tính toán, đối với 10 dự án thành phần (đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa), nhu cầu vật liệu cát cần gần 9,7 triệu mét khối, trong đó, 4,95 triệu mét khối được sử dụng từ 77 mỏ đang khai thác, đáp ứng về trữ lượng (10,7 triệu mét khối) nhưng chưa đáp ứng về công suất (mới khai thác đạt công suất 1,66 triệu mét khối/năm). Để đáp ứng nhu cầu cát, cần nâng công suất các mỏ cát đang khai thác như đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long; sớm hoàn thiện thủ tục thuê đất của 5 mỏ mở mới đã được xác nhận bản đăng ký khối lượng để đưa vào khai thác. Tổng nhu cầu đất đắp của 10 dự án thành phần này cũng cần hơn 47 triệu mét khối; trong đó, hơn 5 triệu mét khối được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác đáp ứng trữ lượng (hơn 8,5 triệu mét khối) và công suất (2,54 triệu mét khối/năm); còn lại gần 42 triệu mét khối được sử dụng từ 71 mỏ mới, đáp ứng trữ lượng (khoảng hơn 61 triệu mét khối).

Một trong những vướng mắc được Bộ Giao thông vận tải đề cập là hiện nay, 14 mỏ đất đã được xác nhận bản đăng ký nhưng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chưa được xử lý dứt điểm, nhất là khó khăn về thỏa thuận giá chuyển nhượng, thuê đất khi chủ sở hữu nêu mức giá quá cao so với mức giá của Nhà nước bồi thường. Đơn cử, trong khi giá Nhà nước bồi thường chỉ dao động khoảng 300 triệu đồng/ha thì ở Quảng Ngãi, mỏ Núi Thị nêu mức giá 1,8 tỷ đồng/ha, mỏ Chuông Ổi 1,4 tỷ đồng/ha, mỏ Vĩnh Sơn 5 (Quảng Trị) 1,4 tỷ đồng/ha, mỏ Phú Ân (Phú Yên) 1,2 tỷ đồng/ha, mỏ Hoàng Đàm (Quảng Bình) 450 triệu đồng/ha,...

Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên quan thỏa thuận bồi thường để khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án; giảm bớt thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với khu vực có rừng (thực tiễn nhà thầu khai thác vật liệu không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng, sau khi thuê đất để khai thác nhà thầu phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ và toàn bộ diện tích đất để địa phương quản lý).

Đối với hai dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, Bộ Giao thông vận tải nhận định, vật liệu đá, đất đắp cho dự án đã xác định đủ nguồn. Vật liệu cát đắp nền cần 18,4 triệu tấn, Chính phủ đã giao tỉnh An Giang cung cấp 7 triệu mét khối, Đồng Tháp 7 triệu mét khối, Vĩnh Long 5 triệu mét khối. Giữa tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp thị sát, làm việc với các địa phương nhưng kết quả triển khai vẫn còn chậm. “Hiện tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã cam kết với Chính phủ, thống nhất bố trí đủ 7 triệu mét khối cho dự án. Tỉnh Vĩnh Long cũng chủ trương cung ứng cho dự án hơn 3 triệu mét khối tại bốn vị trí mỏ và cam kết đẩy nhanh thủ tục để có thể bàn giao một mỏ cho nhà thầu khai thác trong tháng 10/2023, phân bổ đủ nguồn cát cho nhu cầu năm 2023 của dự án”, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm đánh giá.

Thí điểm sử dụng cát biển

Để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án giao thông, nhất là các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển san lấp dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm làm rõ chất lượng, tiềm năng cát biển và khả năng khai thác để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp. Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, nếu kết quả nghiên cứu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu khá dồi dào cho các dự án tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường; thi công thử nghiệm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án Hậu Giang-Cà Mau, hiện đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác từ tháng 8 vừa qua, đang tiếp tục quan trắc, đánh giá. Chủ đầu tư cũng đã hoàn thành xây dựng định mức khai thác, vận chuyển và thi công cát biển làm vật liệu đắp nền đường, đang hoàn thiện các thủ tục liên quan làm cơ sở áp dụng. “Đến nay, kết quả thí nghiệm, quan trắc, đánh giá (đã thực hiện 5 kỳ) cho thấy nền đường đoạn thí điểm ổn định, các thông số môi trường của nước mặt, nước ngầm, các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất chưa có biểu hiện về tăng độ mặn cũng như sự lan truyền trong nước mặt, nước ngầm và đất chung quanh khu vực thi công”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Bộ đã trực tiếp làm việc với Tập đoàn Geleximco, các chuyên gia thuộc Tập đoàn Boskalis (Hà Lan) để cung cấp thông tin và kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Các chuyên gia Hà Lan đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng cát biển tại các dự án xây dựng công trình giao thông ở Hà Lan, cung cấp các thông tin cho các cơ quan liên quan tham khảo.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục quan trắc, đánh giá, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá cuối năm 2023. Qua trực tiếp khảo sát hiện trường và báo cáo của các địa phương, chủ đầu tư, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm đánh giá, công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật tại một số dự án đang triển khai rất chậm. Nguồn vật liệu cho các dự án vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về vật liệu cát san lấp đối với các dự án khu vực phía nam và vật liệu đất đắp, cát xử lý nền đất yếu các dự án cao tốc bắc-nam (giai đoạn II),…

Nếu các nhà thầu, chủ đầu tư và địa phương không sớm chủ động, tích cực triển khai thủ tục khai thác mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù có thời hạn áp dụng trong năm 2023, sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn cung vật liệu cho các dự án.

Để tháo gỡ vướng mắc vật liệu, thúc đẩy tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ quản yêu cầu Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư) hoàn thành thủ tục khởi công các dự án thành phần, gói thầu còn lại của dự án, bảo đảm hoàn thành toàn bộ dự án theo đúng tiến độ yêu cầu.

Các đơn vị cần chủ động làm việc với địa phương có mỏ vật liệu cho dự án để xác định đủ nguồn cung vật liệu và triển khai các thủ tục khai thác bảo đảm tiến độ yêu cầu. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác đối với các hồ sơ mỏ đã được các nhà thầu trình; hoàn thành thủ tục liên quan đến đất, rừng (nếu có); hỗ trợ các nhà thầu làm việc, thỏa thuận, thống nhất với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất.

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long hoàn thiện thủ tục để cung cấp cát từ mỏ đang khai thác, triển khai đồng thời các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian, sớm khai thác những mỏ đã giao cho nhà thầu và bố trí đủ nguồn cát cho dự án cao tốc bắc-nam từ Cần Thơ đến Cà Mau,…

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án chỉ đạo tư vấn, nhà thầu chốt lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết và có kế hoạch huy động nhân lực, thiết bị phù hợp; chủ động, linh hoạt tổ chức triển khai thi công trên công trường, hạn chế lệ thuộc vào mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng; kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, vi phạm tiến độ quy định trong hợp đồng, nhất là các nhà thầu phụ. Các ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu bổ sung thêm mũi thi công cầu, hầm chui dân sinh, cống, gia cố mái ta-luy,... phù hợp với tiến độ thi công nền đường bảo đảm đồng bộ, liên tục trên toàn tuyến; thực hiện thanh thải ngay sau khi thi công xong để dòng chảy lưu thoát, hạn chế ảnh hưởng mưa lũ đến an toàn công trình.