Nguồn thu tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh

NDO - Chiều 24/8, Đoàn giám sát của Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng báo cáo trước Đoàn giám sát của Quốc hội.
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng báo cáo trước Đoàn giám sát của Quốc hội.

Nội dung giám sát nằm trong chương trình giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021; chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2019-2021 và việc thực hiện các biện pháp về y tế-xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH 15 của Quốc hội.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, do ảnh hưởng trong và sau dịch Covid-19, nguồn thu của các đơn vị giảm mạnh, dẫn đến tình hình thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị bị ảnh hưởng, thu nhập của viên chức, người lao động giảm nhiều.

Năm 2020, số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú giảm 29,2%, số lượt điều trị nội trú giảm 18,8%. Năm 2021, số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú giảm 37,9%, số lượt điều trị nội trú giảm 32%, dẫn đến tổng số thu năm 2021 của 78 đơn vị là 20.550 tỷ đồng, giảm 28% so số thu năm 2020 (28.900 tỷ đồng), giảm 35% so số thu năm 2019 (31.696 tỷ đồng).

Sáu tháng đầu năm 2022, tổng thu là 12.700 tỷ đồng, giảm 20% so số thu năm 2019 (31.696 tỷ đồng), một số đơn vị không cân đối được nguồn tài chính.

Ông Tăng Chí Thượng thông tin thêm, trước những áp lực sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với áp lực giá cả hàng hóa tăng cao, thu nhập thực nhận hằng tháng bị ảnh hưởng đã tác động rất lớn đến đời sống vật chất, qua đó ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và việc thực hiện công việc của viên chức, người lao động.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 2.600 viên chức, người lao động thuộc ngành y tế Thành phố nghỉ việc.

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú của các cơ sở y tế. Theo đó, số lượt khám ngoại trú và điều trị nội trú trong năm 2020 và 2021 đều giảm đáng kể so năm 2019.

Cụ thể, tổng số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú năm 2021 là 22.163.497 lượt (giảm 40% so năm 2020 và giảm 55% so năm 2019); tổng số lượt điều trị nội trú năm 2021 là 1.502.824 lượt (giảm 30% so năm 2020 và giảm 41% so năm 2019).

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2021 nhưng đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn nên thành phố chưa có cơ sở giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến các đơn vị sự nghiệp trong việc điều hành hoạt động tự chủ của đơn vị, như: không thực hiện trích lập các quỹ và chi quỹ; không được tạm chi thu nhập tăng thêm, quỹ khen thưởng, phúc lợi; không tự mua sắm được máy lạnh, máy vi tính, máy photocopy…

Giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí góp phần khiến cho việc thực hiện tự chủ tài chính ở các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong cân đối nguồn tài chính, chi trả thu nhập tăng thêm, phúc lợi, khen thưởng cho viên chức, người lao động… và còn một số bất cập khác.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, sớm thông qua Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) để giải quyết các bất cập trong giai đoạn hiện nay. Kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện chính sách, khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế nhằm mua được hàng hóa có chất lượng với giá cả hợp lý.

Cùng với đó, ngành chức năng sớm ban hành hướng dẫn thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong thời gian chờ hướng dẫn, kiến nghị Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ…

Ngày 25/8, Đoàn giám sát của Quốc hội tiếp tục làm việc với một số sở, ngành và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.