Hai bệnh viện tuyến Trung ương đề xuất xin thôi tự chủ toàn diện

NDO - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đang gặp phải những khó khăn khi triển khai thí điểm tự chủ toàn diện. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất "trong điều kiện hiện tại, chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối". 
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện K xin dừng thí điểm tự chủ bệnh viện.
Bệnh viện K xin dừng thí điểm tự chủ bệnh viện.

Nhiều vướng mắc, khó khăn trong thí điểm tự chủ toàn diện

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019 về thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, nhưng đến nay chỉ có 2 bệnh viện đã thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức không tiến hành tự chủ theo Nghị quyết 33 mà theo tự chủ chi thường xuyên Nhóm II.

Tuy nhiên, sau khi Bệnh viện Bạch Mai đề xuất xin thôi tự chủ bệnh viện thì mới đây, Bệnh viện K cũng có công văn gửi Bộ Y tế xin chuyển sang hình thức tự chủ nhóm 2 theo Nghị định 60.

Nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai mô hình tự chủ toàn diện bệnh viện đã được cả 2 bệnh viện tuyến Trung ương này đặt ra.

Theo phân tích của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của đề án tự chủ toàn diện. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Về giá dịch vụ theo yêu cầu, Bộ Y tế chưa ban hành giá trần dịch vụ.

Năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng bệnh nhân khám chữa bệnh giảm mạnh dẫn tới giảm nguồn thu. "Nguồn thu của bệnh viện trung bình mỗi năm giảm 2.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động", ông Cơ cho hay.

Việc khó khăn trong đấu thầu mua sắm khiến bệnh viện cũng rơi vào tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. Bên cạnh đó, nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh, liên kết đang dừng hoạt động dẫn tới thiếu thiết bị để phục vụ người bệnh.

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nguồn thu của bệnh viện (giảm khoảng 4.000 tỷ đồng trong 2 năm 2020-2021 so với năm 2019) và bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.

Theo TS Dương Đức Hùng, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai, có 3 điều kiện cơ bản để bệnh viện tự chủ toàn diện gồm: tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ thì chưa bao giờ Bệnh viện Bạch Mai đủ điều kiện để làm tự chủ.

"Như vậy, đây chỉ là tự chủ trên danh nghĩa chứ chưa bao giờ làm tự chủ. Bệnh viện Bạch Mai mạnh dạn đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện theo Nghị định 60 theo nhóm 2 (tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên) để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Bệnh viện Bạch Mai", ông Hùng nhấn mạnh.

Hai bệnh viện tuyến Trung ương đề xuất xin thôi tự chủ toàn diện ảnh 1

PGS, TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ khó khăn của bệnh viện khi thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện.

Chia sẻ về vướng mắc trong tự chủ bệnh viện, GS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay, sau 2 năm tự chủ bệnh viện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị cùng những rào cản về pháp lý.

Thời gian qua, việc tự chủ mua sắm trang thiết bị là một trở ngại khó khăn đối với bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện.

Ông Quảng phân tích, sau 2 năm đại dịch, nguồn thu của bệnh viện giảm mạnh. Năm 2021, nguồn thu của bệnh viện giảm từ 35-40% tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng. Trong khi đó các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư rất đắt tiền.

Sau 2 năm, viện chưa đầu tư được thiết bị nào mới trong khi đó nếu tiêu chuẩn 1 máy phục vụ 70 bệnh nhân, bệnh viện cần đầu tư thêm 6-7 máy.

Người đứng đầu bệnh viện này cũng đề cập đến vấn đề hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Hơn nữa, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo quy định nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn.

Đặc biệt, nếu tự chủ để có kinh phí đầu tư, chi phí khám chữa bệnh sẽ phải tăng lên. Tuy nhiên, Bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối điều trị ung thư, bệnh nhân phải điều trị lâu dài, tốn kém trong khi đa số bệnh nhân nghèo, khó khăn.

Việc phải lo chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các bác sĩ, sinh viên, bệnh viện tuyến dưới cũng là vấn đề đau đầu. Thu nhập của cán bộ trong 2 năm vừa qua giảm và bệnh viện đã nỗ lực duy trì để bảo đảm đời sống cho nhân viên y tế.

Chưa nên thực hiện tự chủ ở bệnh viện tuyến cuối

Xin dừng thí điểm tự chủ bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đề xuất trong điều kiện hiện tại, chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối.

"Các bệnh viện tuyến cuối là bệnh viện đầu ngành, là nền tảng, chỗ dựa cho nền y học nước nhà, là nơi đào tạo nguồn nhân lực và điều trị cho tất cả tầng lớp người dân trong cả nước. Nếu bây giờ chúng ta tự chủ thì chắc chắn Hội đồng quản lý, Ban Giám đốc bệnh viện sẽ định hướng tăng doanh thu, khi đó, người nghèo sẽ ở đâu", ông Cơ bày tỏ.

Đặc biệt, trong quá trình thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, ông Cơ cho rằng, với khung học phí tại Bệnh viện Bạch Mai hiện nay thì các bác sĩ vùng sâu, vùng xa, các em sinh viên rất khó được đào tạo tại đây, trong khi đây cũng là một nhiệm vụ chính trị của bệnh viện.

Đánh giá cao chủ trương bệnh viện tự chủ nhưng Giám đốc Bệnh viện K cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để thực hiện tự chủ toàn diện.

Ông Quảng cho rằng, phải có điều kiện đáp ứng nhu cầu hoạt động cho bệnh viện, sau đó mới tiến tới tự chủ toàn diện nhưng việc này cần phải có lộ trình.

Hiện bệnh viện đã có công văn gửi Bộ Y tế xin chuyển sang hình thức tự chủ nhóm 2 theo Nghị định 60. Theo ông Quảng, Nghị quyết 33 cũng chưa có hành lang pháp lý rõ ràng bảo đảm cho việc thực hiện trong khi Nghị định 60 có tính pháp lý hơn và phù hợp với Bệnh viện K hơn.