Tác giả Saint-Exupéry viết “Hoàng tử bé” trong Chiến tranh thế giới thứ 2 tại New York. Khi đó ông 40 tuổi và 1 năm sau đó ông được điều về chiến đấu ở châu Âu. Ngày 31/7/1944, Antoine de Saint-Exupéry cất cánh từ Borgo thuộc đảo Corse, để thực hiện một nhiệm vụ trinh sát quân sự. Kể từ đó, không ai nhìn thấy ông nữa. Ông đã mất tích trong chuyến bay trên biển một cách bí ẩn. Một năm sau chuyến bay cuối cùng của ông, cuốn sách được xuất bản. 60 năm sau, người ta tìm thấy một vài mảnh vỡ của chiếc máy bay mà ông đã lái nhưng không thấy thi thể của nhà văn.
Để xây dựng một câu chuyện trinh thám chung quanh cái chết bí ẩn của Hoàng tử bé và tác giả Saint-Exupéry, Michel Bussi đã đào xới một khối lượng tư liệu lớn. Ông chia sẻ ngay phần đầu cuốn sách: “Tôi đã tập hợp tất cả các chi tiết trong hồ sơ. Tất cả những sự việc được trình bày trong cuốn sách này đều có thực. Tất cả các giai thoại về cuộc đời và vụ mất tích của Saint-Exupéry đều tồn tại. Tất cả các trích dẫn nêu trong cuốn sách đều được chép lại y nguyên. Tất cả các thông tin tham khảo từ bản thảo gốc của ông, những lưỡng lự, lựa chọn, gạch bỏ, những bức tranh được ông giữ lại hoặc loại trừ trước khi câu chuyện cổ tích “Hoàng tử bé” được xuất bản, hoặc tấm bản đồ của Piri Reis, đều hoàn toàn chính xác. Sau khi tập hợp tất cả những yếu tố đã được xác thực này, tôi chọn cách sắp xếp chúng theo một thể thức mà tôi tin là chưa có ai tưởng tượng ra”.
Câu chuyện theo chân vị tỷ phú Oko Dòlo cùng các nhân viên điều tra lên đường tìm bí mật về cái chết của Hoàng tử bé cũng như sự biến mất đầy bí ẩn của Saint-Exupéry. Lần theo những giả thuyết, những động cơ và những kẻ tình nghi, cuối cùng sự thật bất ngờ về bí mật của Saint-Exupéry và cuốn sách đầy chất thơ của ông cũng được hé lộ.
Bạn đọc xếp hàng dài để chờ nhà văn ký tặng sách. |
Michel Bussi tìm cách giải mã sự mất tích bí ẩn của Saint-Exupéry thông qua một “cuộc điều tra hư cấu” với hai nhân vật là nhân viên điều tra, dựa trên những sự việc có thật (các trích dẫn từ bản thảo gốc của Hoàng tử bé, những lưỡng lự, lựa chọn, gạch bỏ, của tác giả, sự khác biệt giữa bản viết tay và bản được phát hành, những nhân chứng là người thân của Saint-Ex…), tất thảy khiến cuộc điều tra trở nên vô cùng nan giải.
Chia sẻ về cuốn sách, Michel Bussi cho biết, ông thích cuốn “Hoàng tử bé” của Saint-Exupéry từ nhỏ: “Mọi người thích “Hoàng tử bé” vì nhiều lý do khác nhau, vì nó kể lại một câu chuyện tình yêu nho nhỏ, hoặc một câu chuyện về đạo đức, trách nhiệm, hoặc về những hy vọng so với những chết chóc. Với tôi, câu chuyện theo tôi từ rất lâu, cho tôi nguồn cảm hứng mỗi khi viết. Tôi đã viết hàng nghìn trang về câu chuyện này”.
Rất đông bạn đọc trẻ hâm mộ Michel Bussi. |
“Hoàng tử bé” cũng khơi gọi cảm hứng để nhà văn tạo nên câu chuyện trinh thám, khi ông cho rằng cái chết của Hoàng tử bé rất có tiềm năng để trở thành một truyện trinh thám. “Khi đọc “Hoàng tử bé”, tôi thường đặt ra rất nhiều câu hỏi: Hoàng tử bé có chết thật không hay đã lên với những vì sao? Ai đã giết Hoàng tử bé, bông hồng hay con rắn? Hoàng tử bé đã chết thực sự chưa hay vẫn còn sống? Tự nhiên tôi nảy ra một ý tưởng là liệu cái chết của Hoàng tử bé có trùng với cái chết của Saint-Exupéry hay không” – ông kể lại.
“Mã 612: Ai giết Hoàng tử bé?” không chỉ là trinh thám, không chỉ là “Hoàng tử bé”, mà còn là “diễn đàn” của những người yêu mến “Hoàng tử bé” với những tri thức về câu chuyện và về Saint-Exupéry dày dặn, phong phú đáng kinh ngạc.
Và chính vì thế, trên tất cả, “Mã 612: Ai giết Hoàng tử bé?” là một tác phẩm tri ân dành cho “Hoàng tử bé” nhân dịp 75 năm ngày ra mắt kiệt tác của Saint-Exupéry.
Với cuốn sách, dù bạn đã đọc hay chưa đọc “Hoàng tử bé”, đều không thành vấn đề. “Nếu chưa đọc hoặc đọc từ cách đây quá lâu, hãy để hai điều tra viên của tôi dẫn dắt bạn. Còn nếu đã đọc nhiều lần rồi, bạn có thể thích thú với việc tìm kiếm những lần nháy mắt của tác giả rải rác khắp các dòng trong cuốn sách này” – Michel Bussi chia sẻ.