Báo cáo “Tương lai của công việc" là nghiên cứu do The Sentry và Decision Lab đồng thực hiện, dựa trên khảo sát hơn 500 người lao động thuộc các ngành nghề và thế hệ khác nhau tại Việt Nam.
Báo cáo đi sâu nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn công ty, các tiêu chí cho một văn phòng lý tưởng và cách nhìn của người Việt về các xu hướng mới tại nơi làm việc, từ đó giúp nhà tuyển dụng, quản lý và chuyên viên nhân sự xây dựng một môi trường làm việc thu hút, hiệu quả và bền vững hơn.
Cơ hội học hỏi là ưu tiên hàng đầu khi chọn nơi làm việc
Theo kết quả khảo sát, 62% người lao động được hỏi cho biết họ thích mô hình làm việc kết hợp giữa làm việc trực tiếp tại văn phòng và làm việc trực tuyến từ xa.
Đánh giá về kết quả báo cáo, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành Decision Lab cho biết, báo cáo khảo sát những sở thích, kỳ vọng và khát vọng của người lao động Việt Nam trong kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19, cho thấy người lao động thích chế độ làm việc kết hợp vì sự linh hoạt của làm việc tại nhà và tính hợp tác khi làm tại văn phòng.
Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, chỉ có 9% người lao động muốn làm việc hoàn toàn từ xa, điều này cho thấy họ vẫn quan tâm đến những lợi ích xã hội và tính chuyên nghiệp mà văn phòng mang lại.
Khi được hỏi yếu tố quan trọng nhất để chọn nơi làm việc, 47% người lao động đặt cơ hội học tập lên hàng đầu, theo sau là “văn hóa công ty” và “thu nhập và phúc lợi” cùng có 46%.
Trong khi Gen Z (từ 14-26 tuổi) ưu tiên “cơ hội học hỏi” để nâng cao bản thân, Gen Y (từ 27-42 tuổi) ưu tiên “thu nhập và các phúc lợi”.
Theo báo cáo, điều này có thể bởi Gen Z mới bắt đầu sự nghiệp và mong muốn phát triển kỹ năng, còn Gen Y đã có sự nghiệp ổn định và quan tâm nhiều về tài chính hơn.
Điều gì tạo nên một văn phòng lý tưởng đối với người Việt?
Trong khi đó, có 61% nhân viên cho biết “bàn ghế thoải mái” là điều quan trọng nhất tạo nên một văn phòng lý tưởng.
“Thoải mái” cũng là từ khoá đầu tiên người Việt nghĩ đến khi nhắc về chủ đề này. Báo cáo nhận định, điều này cho thấy người lao động mong muốn một nơi làm việc không chỉ thoải mái về thể chất mà còn về tâm lý và sự kích thích về trí tuệ.
“Văn phòng xanh/thân thiện với môi trường”, “Văn phòng hạnh phúc”, và “giảm ngày làm việc” là 3 ý tưởng được nhiều người ủng hộ nhất cho một văn phòng hiện đại.
Theo báo cáo, nhân viên hiện nay không chỉ quan tâm đến thu nhập mà còn muốn làm việc ở một nơi có thể giúp họ cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nhận xét về báo cáo, ông Greg Ohen, Giám đốc điều hành The Sentry cho biết, báo cáo chỉ ra những sở thích và kỳ vọng của người lao động Việt Nam đối với văn phòng làm việc của mình.
Trong đó, họ đánh giá cao sự thoải mái, cơ hội học tập và chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời cũng cởi mở với những đổi mới và công nghệ như những công cụ hỗ trợ công việc.
Theo báo cáo, đa số người lao động Việt Nam lạc quan về những xu hướng làm việc tương lai, như áp dụng trí tuệ nhân tạo, robot, hay thực tế ảo/thực tế tăng cường, cho rằng những xu hướng này là những cơ hội giúp họ làm việc hiệu quả, năng suất, và sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, nhân sự Việt vẫn e ngại về trí tuệ nhân tạo hơn các phát minh khác, với lo ngại rằng trí tuệ nhân tạo sẽ cạnh tranh hoặc thay thế công việc của họ.