Người truyền cảm hứng “cho đi giọt máu hồng”

NDO -

Đã quá hai tuổi để được hiến máu, nhưng ông Lê Trung Truyền vẫn không thể vắng mặt tại các buổi hiến máu cố định tại chương trình “Giọt hồng tri ân”. Sáng nay, ông và 12 anh em họ hàng, các con dâu rể đã có mặt từ sớm để tiếp tục hiến những giọt máu cứu người. 

Ông Lê Trung Truyền (áo trắng) cùng anh họ tại buổi hiến máu sáng nay.
Ông Lê Trung Truyền (áo trắng) cùng anh họ tại buổi hiến máu sáng nay.

13 năm hiến máu và cuộc vận động 20 người trong gia đình

Ngày 1 đến 2-8, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện Thành phố Hà Nội và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội tổ chức chương trình hiến máu “Giọt hồng tri ân” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Đầu giờ sáng, chương trình đã rất đông các bạn trẻ đến đăng ký hiến máu. Tất cả đều được sát khuẩn, đo nhiệt độ, ngồi giãn cách 2m để chờ tới lượt vào hiến máu. Thời gian chờ đợi lâu, nhưng không một ai thấy sốt ruột. 

Chuyến xe từ Hưng Yên chở gia đình ông Lê Trung Truyền (thôn 3, xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) đến Hà Nội từ sớm. Hai người anh họ của ông và các con trai, gái, dâu, rể cùng các cháu là những người đầu tiên hiến máu sáng nay. 

IMG_4374-1596349178278.jpg
 Các con ông Truyền có mặt hiến máu từ sáng sớm.

Năm 2007, trong một lần lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm người nhà nằm viện, ông Truyền thấy rất nhiều bệnh nhân cần máu để chữa bệnh. Tuy nhiên nguồn máu của bệnh viện lại khan hiếm. Ông Truyền quyết định đến Viện Huyết học truyền máu trung ương để thử máu và hiến máu cứu người. 

Và từ đó tới nay, ông đã truyền cảm hứng cho toàn bộ năm đứa con gồm bốn gái, một trai của mình và các con dâu, rể, các cháu, anh em trong họ cùng tham gia hiến máu. “Tất cả đều từ cái tâm của mình. Người bệnh thì cần máu. Mình của cải không dồi dào, chỉ có thể hỗ trợ bằng hiến máu”, ông Truyền nói. 

Theo ông Truyền, vì sáng nay có nhiều con cháu ông bận việc gia đình nên chuyến này đi chỉ có 13 người. Tất cả mang theo cảm giác háo hức như ngày đầu, dù cứ ba tháng một lần, họ đều định kỳ đi hiến máu. 

Người truyền cảm hứng “cho đi giọt máu hồng” -0
Anh Nguyễn Đức Phúc, con rể ông Truyền.

61 tuổi, không còn đủ tuổi hiến máu, nhưng chuyến xe nào đến những điểm hiến máu không thể thiếu mặt ông với một tinh thần “Tôi đi để cổ vũ cho các cháu”.

Con rể ông Truyền, anh Nguyễn Đức Phúc cho biết, đến nay anh đã có hơn 30 lần hiến máu, nhưng con số này cũng chưa là gì so với vợ anh đã 38 lần hiến máu. Tuy nhiên, hôm nay vợ anh đang mang bầu nên không tham gia hiến máu cùng. 

“Ông ngoại là người truyền cảm hứng cho cả gia đình. Bây giờ, nhà tôi ai cũng nghiện “món này”. Mỗi lần đến lịch, ông sẽ xem địa điểm trước một tuần để ông gọi điện cho cả nhà cùng đi hiến máu”, anh Phúc tự hào nói. 

Con gái thứ ba Lê Thị Thiệp lần này tiếp tục cùng chồng có mặt tại "Giọt hồng tri ân". Hơn 20 lần hiến máu, chị Thiệp tâm sự, ngày xưa nói đi hiến máu rất thích và cho tới khi học đại học, chị bắt đầu thấy “nghiện” việc đi hiến máu. Chồng chị cũng rất hào hứng ủng hộ truyền thống của gia đình nhà vợ. Nhiều năm nay, anh luôn đồng hành cùng cả nhà trong các chuyến đi đặc biệt như thế này. 

IMG_4401-1596349178757.jpg
 Cháu gái ông Truyền - chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh cũng đưa con đi tham gia hiến máu lần này.

Anh họ ông Truyền – ông Đàm Tất Liên (Hưng Yên) một cực chiến binh từng tham gia chiến trường ở Vị Xuyên cho biết, bảy năm qua theo lời kêu gọi của cậu em, ông cũng tham gia đi hiến máu như một việc thường niên. “Cứ đến lịch, chú Truyền gọi điện hẹn đi là đi thôi”, ông Liên chia sẻ. 

Cô cháu gái Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (cháu họ ông Truyền) hôm nay dẫn theo con trai lên Hà Nội tham gia hiến máu. Chị kể, từ thuở bé, chị rất sợ tiêm nên tích cực tham gia hiến máu để bỏ qua nỗi sợ khi tiêm. “Mặc dù sợ kim tiêm, ban đầu cũng rất sợ hiến máu nhưng tôi vẫn tiếp tục tham gia hiến máu vì thấy rất ý nghĩa”, chị Quỳnh tâm sự. 

Ông Truyền cũng tự hào nói, hai thành viên nhỏ nhất trong nhà là cậu con trai út (sinh năm 1994) và cháu họ đang là sinh viên (sinh năm 1999) cũng đang nối tiếp truyền thống gia đình và đã hiến máu sáu lần. 

Hành trình Đỏ đặc biệt

Hành trình Đỏ năm 2020 đặc biệt hơn mọi năm khi rơi vào thời điểm xuất hiện một loại virus SARS-CoV-2 chủng mới tác động lớn đến mọi mặt xã hội. Tình trạng thiếu máu vì khan hiếm nguồn hiến đã diễn ra từ đầu năm.

Hành trình Đỏ năm nay được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay với thời gian dài nhất (trong 58 ngày - từ 6-6 đến 2-8), nhiều địa phương tham gia nhất (42 tỉnh, thành phố).

Người truyền cảm hứng “cho đi giọt máu hồng” -0
 Mưa gió cũng không cản trở nhiệt huyết của các bạn trẻ.

Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra với chương trình Hành trình Đỏ là vừa bảo đảm hiến máu an toàn, bổ sung lượng máu dự trữ cho tháng 8, vừa tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Vì thế, mọi công tác phòng dịch tại điểm hiến máu được đặt lên hàng đầu để người dân yên tâm tham gia hiến máu. 

TS, BS Bạch Quốc Khánh, Viện Trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2020 cho biết, trong gần hai tháng, chương trình đã diễn ra sôi nổi, rực rỡ tại tất cả các địa phương.

295A8067-1596349137379.JPG
 

Với mục tiêu ban đầu là tiếp nhận 80 nghìn đơn vị máu, nhờ sự phối hợp và vào cuộc trách nhiệm của các địa phương, chương trình đã tổ chức được 302 điểm hiến máu, bao gồm các ngày hội chính và các điểm hiến máu hưởng ứng với trên 101.600 đơn vị máu đã được hiến tặng. 

Nhiều địa phương đã có những kết quả hết sức ấn tượng, thu được trên 4.000 đơn vị máu trong gần 2 tháng tổ chức như: Thanh Hóa (6.589 đơn vị máu), Hà Nội (dự kiến 5.500 đơn vị máu), Đà Nẵng (4.768 đơn vị máu), Hải Dương (4.467 đơn vị máu), Nghệ An (4.439 đơn vị máu), Hải Phòng (4.095 đơn vị máu), Tây Ninh (4.055 đơn vị máu)…

295A7940-1596349137235.JPG
 Chương trình hiến máu luôn bảo đảm yếu tố an toàn cho người hiến.

Ảnh hưởng Covid-19 đã khiến thời gian đầu năm, Việt Nam rơi vào tình trang khan hiếm máu trầm trọng. Nhiều chương trình hiến máu của các đơn vị lớn bị hoãn liên tiếp. Vì thế, thành công của Hành trình Đỏ năm nay không chỉ vượt xa sự mong đợi của Ban tổ chức về số địa phương tham gia, về số đơn vị máu tiếp nhận.

Chương trình còn có ý nghĩa đặc biệt khi Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các địa phương vừa cùng ngành y tế chống dịch, vừa phối hợp chặt chẽ tổ chức hiến máu phù hợp với nhu cầu sử dụng máu. 

“Dù không thể hội quân để đánh dấu sự về đích của chặng đường dài trong gần hai tháng qua nhưng Ban tổ chức vẫn thật tự hào, biết ơn tinh thần tình nguyện của hàng vạn tấm lòng nhân ái từ khắp mọi miền đã trao giọt máu đào và sự chung sức, sẻ chia của các đồng chí lãnh đạo các cấp, các tình nguyện viên và các đơn vị phối hợp”, TS Bạch Quốc Khánh nói.  

295A8031-1596349137712.JPG
 Chương trình thu hút rất đông bạn trẻ đến hiến những giọt máu hồng.