Người say mê nhịp trống hội

Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám sinh ra trong gia đình nhạc công thuộc làng Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Lớn lên giữa những làn điệu chèo, bà thừa hưởng niềm đam mê với âm nhạc, tiếng trống, điệu múa từ thuở còn chập chững tập đi. Đến nay bà là bậc thầy của các điệu múa cổ, đặc biệt là trống hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân trống hội Nguyễn Thị Minh Tám (người thứ tư từ trái sang) miệt mài truyền dạy cho các hội viên Câu lạc bộ trống hội phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
Nghệ nhân trống hội Nguyễn Thị Minh Tám (người thứ tư từ trái sang) miệt mài truyền dạy cho các hội viên Câu lạc bộ trống hội phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Với sự nhanh nhẹn, hoạt bát hiếm có ở tuổi 80, nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám lôi cuốn người nghe bằng lối kể chuyện tràn đầy nhiệt huyết. Bố mẹ, anh chị em bà đều là nhạc công của đoàn múa rối nước và đoàn chèo làng Nguyên Xá. Vì thế, bà thường được xem mọi người chơi trống, đàn, múa hát.

Những điệu trống dần ngấm vào cô bé lúc nào không hay. Những lúc nhạc công nghỉ ngơi, Minh Tám thường tranh thủ cầm dùi trống nghịch ngợm. Ngày qua ngày, tiếng trống của Minh Tám tròn đều, có nhịp điệu hơn khiến người lớn cũng ngạc nhiên. Cô bé Minh Tám lắng nghe, ghi nhớ nhịp điệu rồi học theo.

Lớn lên chút nữa, cô được theo mọi người sang Nam Định xem trống chầu tại các nghi lễ thờ Mẫu. “Trống hội khác với các loại hình âm nhạc khác bởi sự sôi động, rộn rã nhưng cũng không kém phần mềm mại. Nó có sức cuốn hút riêng mà khi nghe xong, thực hành xong vẫn còn đọng mãi trong tâm trí mọi người”, nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám chia sẻ.

Đối với nhiều người, muốn gắn bó với loại hình nghệ thuật nào đó, ngoài năng khiếu, môi trường nuôi dưỡng tài năng thì cần có người chỉ bảo, dạy dỗ. Nhưng với nghệ nhân Minh Tám thì từ nhỏ tới lớn bà đều tự mày mò học theo. Để tạo ra những bài trống riêng biệt, bà tự sáng tác nhịp điệu, rồi gõ thử và dần chỉnh sửa cho hoàn thiện. Bên cạnh đó, bà còn tự học theo các điệu múa cổ như: múa cờ, múa quạt, múa chén, múa sinh tiền, múa trống cơm…

Bước ngoặt đến với cuộc đời nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám khi đến tuổi trưởng thành, bà được nhận vào Đoàn Chèo Trung ương 2 do có khả năng diễn xuất tốt. Nhưng rồi với tính tình vui vẻ, hài hước, bà chỉ được đảm nhận các vai hề, không được phân công các vai khác. Sau một thời gian, bà Minh Tám chuyển sang gắn bó với sự nghiệp thể thao. Nhưng duyên nợ với tiếng trống hội và các điệu múa cổ vẫn âm ỉ trong bà.

Hòa bình lập lại, nhà nước cho khôi phục đình chùa, sau đó việc tế lễ tại các đình chùa cũng dần được tái lập. Nhà ở ngay cạnh các đình, chùa, nên bà Minh Tám dành nhiều thời gian hướng dẫn mọi người cách thức tập các nghi thức lễ, múa cổ và gõ trống. Bà chủ động đi các nơi xem biểu diễn múa cổ và trống hội, rồi ghi chép lại để dạy mọi người. Với sự đam mê với tiếng trống hội và những điệu múa cổ, bà biểu diễn thành thục nhiều làn điệu. Đến nay, bà thành thạo hơn 40 bài trống, mỗi bài dài khoảng 7-8 phút; còn với múa cổ, bà thuộc hầu hết các bài múa phục vụ nghi thức tế, lễ trong các hội, hè.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám nhớ lại, năm 2010, Hà Nội tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thời điểm đó, bà cuốn hút bởi sự hào hùng của dàn trống cả trăm người nên ao ước có một dàn trống hội như thế.

Nghĩ là làm, bà đi vận động chị em tham gia thành lập câu lạc bộ trống hội. Dù khó khăn, vất vả trong việc tìm người, nhưng cuối cùng bà cũng thuyết phục được hơn 20 người tham gia. Kinh phí mua trống do bà vận động từ các hội viên, người quen biết và bỏ cả tiền túi ra mua. Công sức không phụ lòng người, cuối cùng Đoàn nghệ thuật trống hội đầu tiên của bà cũng được thành lập và thu hút ngày càng nhiều hội viên. Chị em phấn khởi say mê luyện tập, biểu diễn và gây được tiếng vang.

Bà cũng dạy mọi người tỉ mỉ từng chi tiết. Thí dụ, muốn đánh trống cái thì hai tay phải đều, dùi trống phải gõ đúng giữa mặt trống thì âm thanh mới hay. Còn đánh trống con thì cầm dùi chỉ ở 1/3 dùi, đánh lỏng cổ tay. Còn nếu đánh úp tay hay ngửa tay thì tiếng trống không thể hay. Ngay cả khi di chuyển lúc biểu diễn cũng phải uyển chuyển, nhịp nhàng và đều nhau.

Dù không ít vất vả nhưng với tình yêu tiếng trống hội, cô vẫn một mực tâm huyết với môn nghệ thuật này. Đoàn trống hội của bà được mời đi biểu biễn khắp nơi và không ít nơi mời bà về dạy. Đến nay, bà đã dạy cho hàng chục dàn trống ở khắp các nơi, từ đình Nam Đồng, đình Võng Thị, đền Đồng Cổ, Bái Ân, An Phú, đền đền Quán Đôi, Cổ Nhuế… và rất nhiều địa phương khác. Riêng đội trống các đình, đền đều được bà dạy miễn phí. Ngoài ra, bà còn tham gia thành lập dàn trống ở nhiều nơi và hiện nay bà làm trưởng Đoàn nghệ thuật trống hội Thăng Long UNESCO Việt Nam.

Trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, do hạn chế việc đi lại và hạn chế tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám đã chuyển sang dạy online miễn phí cho mọi người. Học viên khắp mọi miền Tổ quốc đều hào hứng tham gia…

Năm 2020, bà Nguyễn Thị Minh Tám được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Hiện nay, bà đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất Hội đồng Nhà nước công nhận Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.