Người nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024

NDO - Với sự trân trọng và khát vọng vươn lên từ cây chè quê nhà, sau nhiều năm trăn trở, chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chè Thịnh An ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã xây dựng thành công thương hiệu chè, đưa hợp tác xã ngày càng phát triển, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024”.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Vũ Thị Thanh Hảo với thương hiệu Chè Thịnh An.
Chị Vũ Thị Thanh Hảo với thương hiệu Chè Thịnh An.

Sau khi học hỏi và tích lũy được một số kinh nghiệm trồng, chế biến, xây dựng thương hiệu chè, năm 2017 chị Vũ Thị Thanh Hảo thành lập Hợp tác xã Chè Thịnh An với 7 thành. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ, chị Hảo đã vận động 155 hộ dân ở thị trấn Sông Cầu xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững chè với quy mô 50ha.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ Hợp tác xã Chè Thịnh An, người dân địa phương có phương pháp sản xuất chè bền vững, sản xuất chè hữu cơ, theo hướng hữu cơ và gần 10ha chè được gắn mã vùng trồng.

Cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch phục vụ chế biến, chị Hảo tập trung đầu tư máy móc sản xuất, chế biến chè với 6 lò sao chè chạy bằng điện và ga, 40 máy vò chè. Hiện nay, Hợp tác xã Chè Thịnh An có 9 sản phẩm chè, trong đó có 6 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3, 4 sao với mẫu mã, bao bì đẹp, trang nhã, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Linh hoạt tìm đầu ra cho sản phẩm qua các hội chợ xúc tiến thương mại, qua các nền tảng mạng xã hội để kết nối với các cơ sở tiêu thụ trong, ngoài tỉnh, chị Hảo và hợp tác xã của mình đã phát triển được mạng lưới tiêu thụ, đưa sản phẩm chè của mình đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Do đó, hằng năm hợp tác xã này bán ra thị trường hơn 140 tấn chè thành phẩm với nhiều phân khúc để phù hợp với nhu cầu của người dùng, trong đó dòng chè đinh thượng hạng có giá từ 3 đến 5 triệu đồng/kg.

Chị Hảo luôn củng cố, phát triển Hợp tác xã Chè Thịnh An với 155 hộ thành viên, quản lý chặt chẽ quy trình chăm sóc, liên kết với người dân trong vùng, ký kết hợp đồng bao tiêu chè nguyên liệu trên diện tích 50ha chè an toàn để chế biến thành các loại sản phẩm chè.

Với quy mô sản xuất hiện nay, Hợp tác xã Chè Thịnh An đang tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho hơn 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động.

Chị Vũ Thị Thanh Hảo cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng để tăng sản lượng chế biến, nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm chè, tạo không gian trưng bày sản phẩm, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm vùng chè Sông Cầu.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ để khai thác thế mạnh, nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè Sông Cầu, xây dựng mô hình kinh tế tập thể ngày càng phát triển, bao tiêu nguyên liệu và tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, chị Vũ Thị Thanh Hảo được phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt Nam, được bình chọn và vinh danh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".