Cách thành phố Cao Bằng khoảng 120km và cách trung tâm huyện Bảo Lạc khoảng hơn 10km, bản Khuổi Khon sắp bước vào vụ lúa chín. Những nếp nhà sàn đơn sơ xen giữa thửa ruộng bậc thang đang dần ngả vàng và những nương ngô xanh mướt, khiến cho bản Khuổi Khon rực lên như một bức tranh đa sắc.
Mùa lúa chín là thời điểm thu hút du khách đến bản Khuổi Khon. |
Vượt qua cổng Làng văn hóa cộng đồng Khuổi Khon khoảng 5km đường hẹp, chúng tôi đến bản Khuổi Khon, nơi có 101 hộ dân với 489 nhân khẩu, ba dân tộc Lô Lô, Tày và Nùng cùng chung sống.
Lối vào bản Khuổi Khon. |
Như nhiều vùng đất của tỉnh Cao Bằng, những ngôi nhà sàn truyền thống lợp mái ngói âm dương làm nên nét độc đáo cho vùng đất và là yếu tố hấp dẫn du khách.
Người Lô Lô có tập quán sống ở những vùng núi cao, nên quanh bản bốn bề là rừng núi bao bọc, che chắn.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều bản sắc nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.
Những mái ngói âm dương góp phần tô điểm vẻ đẹp cho xóm Khuổi Khon. |
Ngôi nhà sàn truyền thống của người Lô Lô, làm bằng vật liệu chính là gỗ, gồm 5 gian, 4 mái, cửa nằm chính giữa tầng 2, bậc thang lên xuống nhà gồm bảy hoặc chín bậc, tùy độ cao của ngôi nhà.
Kiến trúc ngôi nhà truyền thống của người Lô Lô |
Kết cấu ngôi nhà của người Lô Lô có hai tầng. Tầng một là nơi chứa nông cụ sản xuất, có một bếp lửa phụ để nấu thức ăn cho gia súc.
Bếp lửa phụ ở tầng 1. |
Tầng hai là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình. Không gian chính của ngôi nhà vừa là nơi để bàn thờ tổ tiên, cũng là không gian tiếp khách. Người Lô Lô rất coi trọng bếp lửa, nơi tạo ra sự ấm cúng cho cả ngôi nhà. Bếp lửa đặt ngay cạnh cửa ra vào.
Chị Chi Thị Môn, người dân trong bản cho biết, người Lô Lô sẽ không để bếp lửa tắt, lúc nào than hồng cũng được ủ dưới lớp tro để bếp luôn duy trì hơi ấm.
Gia đình chị Chi Thị Môn tiếp khách bên cạnh bếp lửa trên tầng 2 |
Trong những năm qua, được hỗ trợ từ Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”, bản Khuổi Khon có năm căn nhà truyền thống được sửa chữa, tôn tạo sạch sẽ và xây nhà vệ sinh mới để phục vụ du khách. Khi có đoàn khách đến tham quan, các hộ gia đình sẽ đưa khách đi tham quan trong bản, nấu ăn phục vụ khách...
Những ngôi nhà sàn được tu sửa để đón khách đến lưu trú. |
Từ đề án, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng là căn nhà sàn gỗ năm gian với diện tích 120m vuông cũng được hoàn thành vào tháng 3/2021. Thiết chế văn hóa này vừa phục vụ các hoạt động sinh hoạt của bà con trong bản, vừa là nơi đội văn nghệ phục vụ các đoàn du khách.
Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng bản Khuổi Khon. |
Bên trong nhà văn hóa trưng bày hai chiếc trống đồng, trang phục dân tộc Lô Lô, tranh ảnh ghi lại con người và nhịp sống của người Lô Lô.
Trưng bày trang phục truyền thống bên trong nhà văn hóa cộng đồng. |
Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng dựa vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và các giá trị văn hóa bản địa còn được gìn giữ khá nguyên vẹn, bà con Lô Lô đang bước đầu học làm du lịch cộng đồng nhằm cải thiện đời sống. Một số hộ dân đã được tham gia các lớp tập huấn về du lịch và tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng.
Bể nước công cộng ở bản Khuổi Khon. |
Các con đường trong bản đang dần được đổ bê-tông, hạ tầng giao thông ở bản Khuổi Khon cùng một số hạng mục bổ trợ đang tiếp tục được đầu tư.
Những con đường bê-tông trong bản đang được thi công. |
Các hạng mục như bãi đỗ xe đang thành hình để phục vụ các đoàn du khách.
Xe ủi đang múc đất làm công trình. |
Tiềm năng là vậy, nhưng để xây dựng Khuổi Khon trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, cần phải đầu tư nguồn lực về tài chính và con người. Hiện nay, thu nhập từ du lịch cộng đồng của người dân chưa đều đặn. Người dân chưa tự tổ chức được các hoạt động đón khách, nguồn khách phụ thuộc vào các công ty lữ hành... Vì vậy, các hộ gia đình cũng chưa mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Thời gian tới, Khuổi Khon cần phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, xây dựng sơ đồ chương trình du lịch cụ thể để khách tham quan trải nghiệm; bố trí các dịch vụ như nơi đón khách, gian hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, cơ sở lưu trú, giữ gìn cảnh quan và môi trường sống... để đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước.