Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong lĩnh vực công thương

Thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của 28 địa phương khu vực phía bắc duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn lỏng lẻo, cần tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ để phát huy thế mạnh của vùng, cùng nhau phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh, thành phố phía bắc tại Hà Nội.
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh, thành phố phía bắc tại Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, các tỉnh, thành phố phía bắc đã bước đầu đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước, 25 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3%; 24 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Công tác khuyến công toàn khu vực đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 29,154 tỷ đồng, đạt 22,8% kế hoạch năm.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá, 28 tỉnh, thành phố phía bắc chiếm hơn 45% cả nước về diện tích tự nhiên và dân số, là vùng có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Trong đó, ngành Công thương có đóng góp quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, ngành Công thương khu vực phía bắc vẫn còn những hạn chế.

Tại một số các tỉnh, thành phố, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng xét về tổng thể vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chưa hình thành được hệ thống các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa lớn. Khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong vùng còn lớn, sự phối hợp chưa thường xuyên, nhuần nhuyễn để tận dụng thế mạnh của vùng; công tác liên kết, kết nối vùng, khu vực để phát triển đồng bộ các lĩnh vực của ngành còn hạn chế, chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng...

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết thêm: “Các cơ chế, chính sách, ban hành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa kịp thời, còn nhiều vướng mắc, chồng chéo. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã có những bất cập, có thể thấy qua việc 28 Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã có tới 89 kiến nghị gửi về Bộ Công thương trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn lỏng lẻo, việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại chưa được các địa phương quan tâm nhiều”.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng, đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi trước hết là sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 28 tỉnh, thành phố trong khu vực. Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho rằng, cần tập trung triển khai các quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt. Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và triển khai quy hoạch vùng tỉnh, phát huy lợi thế của từng địa phương gắn kết sự phát triển đồng đều, nhất là các tỉnh có địa bàn giáp ranh với nhau, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ trong phát triển hạ tầng thương mại, công nghiệp, kết nối logistics...

Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị 28 tỉnh, thành phố phía bắc tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tác của ngành Công thương các tỉnh, thành phố trong khu vực; liên kết hoạt động và hỗ trợ để cùng phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và đầy cạnh tranh.

Các địa phương cũng cần tiếp tục rà soát, bổ sung các chiến lược, đề án và kế hoạch phát triển các ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực công thương để tích hợp vào quy hoạch tỉnh; theo dõi bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh để đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh phân phối.