Người lao động thấp thỏm ngóng chờ thưởng Tết

NDO - Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2024 sẽ đến, tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, thông tin về thưởng Tết vẫn đang khiến người lao động trong các doanh nghiệp thấp thỏm.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo Nhân Dân)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo Nhân Dân)

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, câu chuyện “mang bao nhiêu tiền về dịp cuối năm” trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Doanh nghiệp nhỏ gặp khó, thưởng Tết mang tính tượng trưng

Vốn là công nhân làm cho một xưởng dệt may có trụ sở tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, từ một tháng nay, anh Nguyễn Văn Chất, 32 tuổi, quê Nghệ An đã được chủ cơ sở cho nghỉ tạm thời. Không chỉ Chất, nhiều lao động khác như anh cũng đã nhận được thông báo ngừng làm việc ngay tháng cuối cùng của năm 2023.

“Các xưởng nhuộm, may gia công hầu hết đều đã cho công nhân nghỉ việc từ cuối năm ngoái để tránh… thưởng Tết cho công nhân. Năm nay, công việc với ngành này tại phía Nam rất khó khăn”, anh Chất than thở.

Để duy trì cuộc sống và kiếm thêm thu nhập, ngay tháng đầu năm 2024, anh Chất đã phải chạy thêm xe ôm, hoặc xin việc thời vụ với mong muốn có thêm chút tiền về quê.

Người lao động thấp thỏm ngóng chờ thưởng Tết ảnh 1

Ngành da giày gặp khó khiến mức thưởng Tết của nhiều cơ sở nhỏ bị ảnh hưởng. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với xưởng nhuộm cỡ nhỏ của anh Trần Trung K. (37 tuổi, quê gốc Nam Định). Vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp hơn 10 năm, nhưng theo anh Kiên, tình hình kinh tế chưa khi nào “ngộp thở” như hiện tại.

“Tháng 11/2023, tôi đã phải cho công nhân nghỉ việc phần lớn, chỉ giữ lại thợ có tay nghề và kỹ thuật cao. Đơn hàng mới gần như không có, trong khi lãi ngân hàng vay để sản xuất trước đó vẫn phải trả. Không chỉ tôi, nhiều đơn vị nhỏ và vừa khác cũng đều lựa chọn tương tự để… tránh thưởng Tết mặc dù không ai mong muốn”, anh K. lý giải.

Ở trong tình trạng khá hơn, ông Trần Thanh H., chủ một cơ sở may mặc quy mô nhỏ tại quận Tân Bình cũng khẳng định, năm nay, công ty của anh đã quyết định cắt giảm mức thưởng Tết để phù hợp tình hình sản xuất. Cụ thể, đơn vị này nhiều khả năng không có tháng lương thứ 13 cho công nhân.

Người lao động thấp thỏm ngóng chờ thưởng Tết ảnh 2

Ngành dệt may cũng có một năm đầy khó khăn. Không ít xưởng quy mô nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải cho công nhân nghỉ trước Tết để tiết kiệm khoản thưởng. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

“Chúng tôi dự kiến sẽ chỉ có tiền thưởng Tết khoảng 2 triệu đồng/công nhân kèm theo quà Tết là sản phẩm do chính công ty tự sản xuất được. Năm nay, số lượng đơn hàng may mặc đều giảm, chúng tôi cũng phải giảm giá bán để cạnh tranh nên biên lợi nhuận đều giảm theo”, ông H. bày tỏ.

Cũng theo vị chủ doanh nghiệp tại quận Tân Bình, nhiều tháng qua, ông đã tìm đủ mọi cách xoay xở để không phải sa thải công nhân nhưng tình trạng đã “rất khó thở”.

“Không ít doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhất là trong ngành lợi nhuận thấp như may mặc”, người đứng đầu doanh nghiệp chia sẻ. Tuy nhiên, rất may, gần 30 công nhân tại xưởng của H. vẫn thông cảm nên cố gắng làm việc và trông chờ vào khoản thưởng Tết mang tính động viên sắp tới.

Trong khi đó, ở khu vực phía bắc, tình trạng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không khả quan hơn.

Chị Nguyễn Thị Hưởng, 40 tuổi đã có 5 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Chị cho hay, từ sau dịch Covid-19, thu nhập của cả 2 vợ chồng đã giảm khoảng 25% so trước đó. Đơn hàng ít khiến chị và chồng gần như không thể tăng ca. Mọi sinh hoạt chỉ trông vào đồng lương cơ bản.

“Năm trước, tôi còn nhận được thưởng Tết là 1 tháng lương, khoảng 6 triệu đồng. Nhưng năm nay, mọi người trong công ty đều bảo mức thưởng sẽ cắt giảm còn 1 nửa”, chị Hường buồn rầu nói.

Đại diện Liên đoàn Lao động Hà Nội thông tin, mức lương bình quân của người lao động trong năm 2023 bằng năm 2022. Tuy nhiên, mức thưởng Tết trung bình của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều giảm so Tết Quý Mão 2023. Đặc biệt, mức giảm sâu nhất thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử...

Cụ thể, mức thưởng trung bình của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều giảm so năm 2023. Trong đó, riêng thưởng Tết Dương lịch 2023 giảm từ 16,67% đến 32,31% so Tết 2022. Thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng giảm từ 1,41% đến 2,44% so Tết Quý Mão 2023.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Hà Nội nhận định, nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công. Tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục có chiều hướng giảm.

Nỗ lực… xây Tết cho người lao động

Liên quan vấn đề lương, thưởng Tết cho người lao động, mức thưởng Tết được ghi nhận cao nhất năm nay là hơn 2 tỷ đồng/người, còn mức thưởng thấp nhất là 300 nghìn đồng/người. Tiền thưởng bình quân của người lao động được ghi nhận vẫn tương đương với năm ngoái, dao động từ 6-9 triệu đồng/người, bằng với 1 tháng lương.

Tại thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh các doanh nghiệp vẫn nỗ lực bảo đảm thưởng Tết cho người lao động thì cũng ghi nhận có vài doanh nghiệp nhỏ quy mô vài trăm lao động có khả năng không có thưởng Tết do gặp khó khăn.

Để san sẻ khó khăn với người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động từ sớm, đồng thời đã thiết kế chính sách chăm lo cho các đối tượng. Ngoài việc hỗ trợ quà, tiền, Công đoàn cũng sẽ tổ chức các chuyến xe, tàu, máy bay 0 đồng, giảm chi phí hỗ trợ cho người lao động.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ dành nguồn tài chính hỗ trợ 1,1 triệu người lao động với mức 500 nghìn đồng/người. Dự kiến hỗ trợ chuyến bay 0 đồng cho 675 đoàn viên và chuyến tàu không đồng cho 2.000 đoàn viên có kết quả tốt trong năm vừa qua hoặc gặp khó khăn, không thể về quê ăn Tết.

Người lao động thấp thỏm ngóng chờ thưởng Tết ảnh 4

Khám sức khỏe miễn phí cho công nhân xây dựng tại công trường Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên).

Đặc biệt, nhiều hoạt động phúc lợi khác bên cạnh lương thưởng cũng được các liên đoàn lao động phối hợp các doanh nghiệp, Bộ Công thương như tổ chức các phiên chợ quê, đưa hàng hoá bình ổn đến khu công nghiệp cũng được phối hợp tổ chức để đem đến một cái Tết ý nghĩa, trọn vẹn cho người lao động.

Tại Hà Nội, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố cho hay, để vơi bớt nỗi lo cho người lao động, Công đoàn thành phố đã chủ động phối hợp các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, sắp xếp lại phương án lao động, tìm kiếm các đơn hàng mới, lĩnh vực mới; ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị trên địa bàn cung cấp sản phẩm có chất lượng với giá ưu đãi hơn so với thị trường; hỗ trợ đoàn viên vay vốn với lãi suất ưu đãi thông qua Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình.

Người lao động thấp thỏm ngóng chờ thưởng Tết ảnh 5

Thợ mỏ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) được hỗ trợ các chuyến xe nghĩa tình đưa về quê ăn Tết năm 2023.

Cùng với đó, các hoạt động góp phần “xây Tết” cho công nhân sẽ bao gồm: Tết sum vầy - Xuân chia sẻ; hỗ trợ, thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết; "Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024", tổ chức phương tiện giúp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết và quay trở lại làm việc sau Tết đang được thực hiện ở tất cả các cấp Công đoàn Thủ đô với phương châm "Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết".

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ trên 45 nghìn đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 30 tỷ đồng từ nguồn tài chính Liên đoàn Lao động thành phố, kinh phí của Ủy ban nhân dân thành phố và Quỹ Xã hội Liên đoàn Lao động thành phố.

Người lao động thấp thỏm ngóng chờ thưởng Tết ảnh 6

Người lao động tham dự Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ tại Chợ Tết Công đoàn Hà Nội. (Ảnh: Thanh Hà)

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ 70 nghìn đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 35 tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng, sửa chữa 35 Mái ấm Công đoàn năm 2024 cho 35 gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; hỗ trợ vé xe về quê bằng tiền tương đương 1,9 tỷ đồng cho khoảng 5.000 công nhân lao động.

Hòa chung vào tinh thần "xây Tết cho người lao động", nhiều chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng nỗ lực để đem xuân ấm về cho công nhân. Là chủ Bệnh viện đồ da tại huyện Thanh Trì, từ khoảng 1 tháng nay, anh Nguyễn Văn Phúc đã và đang "tính toán" tìm nguồn thưởng Tết cho khoảng 20 công nhân. Thừa nhận gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, anh Phúc cho biết, lao động tại Bệnh viện đồ da của anh chủ yếu là nhóm người yếu thế, làm cả năm chỉ trông chờ vào thưởng Tết.

"Do đó, dù khó nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì mức thưởng như các năm trước đó. Cụ thể, tại Bệnh viện đồ da, những nhân sự làm đủ 1 năm sẽ nhận được tháng lương thứ 13; nhân sự trên 6 tháng được thưởng 5 triệu đồng; dưới 6 tháng được nhận 3 triệu đồng", Phúc chia sẻ.

Báo Nhân Dân đồng hành Xây Tết cho công nhân xây dựng

Cũng với mong muốn mang Tết ấm cho công nhân xây dựng, Báo Nhân Dân đã phối hợp cùng Tập đoàn Coteccons tổ chức chương trình "Xây Tết 2024", với những hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần đến gần 17 nghìn công nhân.

Đây là hoạt động ý nghĩa triển khai Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, tích cực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.

Chương trình “Xây Tết 2024” khởi động từ ngày 23/12/2023 đến tháng 1/2024 trên các công trường ở 3 miền đất nước như Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...

Bên cạnh các hoạt động trao quà, Báo Nhân Dân và Coteccons cũng sẽ tổ chức các sự kiện Tết với nhiều hoạt động như tổ chức cắt tóc tại công trường cho công nhân; chụp hình Tết và in ảnh; trao tặng những tấm vé hoặc chuyến xe trở về quê miễn phí; tầm soát, khám bệnh và tư vấn sức khỏe tại công trường.