Bảo đảm khoản thưởng Tết cho người lao động

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, là thời điểm các chủ doanh nghiệp tìm đủ cách xoay xỏa khoản thưởng Tết cho người lao động, những người đã đồng cam, cộng khổ cùng mình vượt qua một năm nhiều khó khăn, tạo nên giá trị sản xuất, đem lại lợi ích, nguồn thu,...
0:00 / 0:00
0:00
Thợ mỏ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) được hỗ trợ các chuyến xe nghĩa tình đưa về quê ăn Tết.
Thợ mỏ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) được hỗ trợ các chuyến xe nghĩa tình đưa về quê ăn Tết.

Hầu hết doanh nghiệp đều cam kết bảo đảm thưởng Tết cho công nhân, phổ biến là thưởng bằng tháng lương thứ 13, với kỳ vọng tất cả đều có một cái Tết đầm ấm, không ai bị bỏ lại phía sau.

Gắng gỏi thưởng tháng lương 13

Năm 2023, Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) gặp rất nhiều khó khăn khi lượng đơn hàng, đơn giá giảm mạnh khiến hiệu quả không đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn bảo đảm thưởng Tết cho người lao động ở mức 1 tháng lương. Theo thống kê, đơn vị khó khăn nhất của Hugaco cũng duy trì được mức lương hơn 10 triệu đồng/người/tháng, đơn vị cao hơn vào khoảng 16 đến 18 triệu đồng/người/tháng.

“Với quân số hơn 16 nghìn lao động tại 13 đơn vị trực thuộc, việc bảo đảm thưởng Tết cho công nhân ở mức trung bình khoảng 15-16 triệu đồng (thuộc diện mức cao so với mức thưởng trung bình của toàn tỉnh Hưng Yên) đã thể hiện sự nỗ lực, vượt khó của doanh nghiệp. Ngoài thưởng Tết, tùy điều kiện của các đơn vị trong hệ thống sẽ có những phần quà hỗ trợ, động viên người lao động,...”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hugaco đánh giá.

Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, trong điều kiện khó khăn chung, các doanh nghiệp trong toàn hệ thống ngành dệt may đã nỗ lực tìm giải pháp ổn định việc làm, đời sống và chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán. Thống kê sơ bộ, bình quân lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động đạt gần 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương. Điều đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp thuộc Vinatex so với mặt bằng chung.

Tập đoàn và Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động ở cả ba miền như gặp mặt, trao quà cho 400 lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi túi quà trị giá khoảng 1 triệu đồng, tổ chức phiên chợ Tết giảm giá sản phẩm cho người lao động, hỗ trợ chuyến xe nghĩa tình đến các đơn vị,... Đồng thời, các cấp trong hệ thống dự kiến chi gần 33 tỷ đồng để tặng quà tất cả người lao động, xem xét trợ cấp cho người lao động khó khăn. Ngoài ra, các đơn vị sẽ có quà đầu năm cho người lao động từ 50 nghìn đến 500 nghìn đồng/người.

Giám đốc Công ty Than Thống Nhất, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Mạnh Toán cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán này, công ty thưởng bình quân cho tất cả cán bộ, công nhân viên ở mức tám triệu đồng/người; phân phối lại thu nhập cho thợ lò chín triệu đồng/người, công nhân lĩnh vực khác 8,4 triệu đồng, sau Tết người lao động đi làm sẽ được phát tiền rằm tháng Giêng hai triệu đồng/người. Như vậy, bình quân người lao động ở Than Thống Nhất được thưởng Tết khoảng 18-20 triệu đồng. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức các chuyến xe đưa đón công nhân ở xa về quê đón Tết.

Tết sum vầy - Tết sẻ chia

Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân cho biết, Tập đoàn và Công đoàn TKV đã chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn tổ chức hoạt động chăm lo Tết với mục tiêu tất cả người lao động đều được vui Tết, bảo đảm mức hỗ trợ bằng và cao hơn Tết năm trước. Thời điểm hiện tại, các đơn vị thành viên TKV đã xây dựng phương án tiền lương, thưởng Tết cho người lao động, mức bình quân khoảng tám triệu đồng/người, tổng kinh phí 1.513 tỷ đồng (gồm tiền Tết và phân phối lại tháng lương thứ 13).

Một số đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất đã được Tập đoàn trích quỹ phúc lợi hỗ trợ chi tiền Tết cho người lao động với mức bình quân bảy triệu đồng/người. “Các đơn vị cũng bố trí hơn 300 chuyến xe ô-tô đưa, đón hơn 12 nghìn công nhân về quê đón Tết, hỗ trợ gần 10 nghìn vé xe để người lao động tự lo phương tiện với mức từ 500 nghìn đến hai triệu đồng/người.

Cùng với đó là trao quà cho 1.500 công nhân gặp hoàn cảnh khó khăn, bàn giao 131 nhà Mái ấm công đoàn,... Tổng kinh phí TKV và đơn vị thành viên chi lương, thưởng, quà Tết và các chế độ phúc lợi khác nhân dịp Tết Nguyên đán lên hơn 2.330 tỷ đồng”, ông Lê Thanh Xuân cho biết.

Tết này, gia đình anh Trương Mạnh Hà (Phân xưởng Phục vụ, Công ty Than Mạo Khê) niềm vui được nhân đôi khi được Công đoàn TKV và công ty trao tặng căn nhà “Mái ấm công đoàn”. Anh Hà không may bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, sức khỏe giảm sút, từ thợ lò thu nhập khá, anh phải chuyển sang bộ phận phục vụ với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Anh được Công đoàn TKV trao 80 triệu đồng, công ty hỗ trợ thêm 25 triệu đồng, cùng sự chia sẻ của các công nhân trong phân xưởng, anh được tặng căn nhà “Mái ấm công đoàn” trị giá 165 triệu đồng ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Vượt qua giai đoạn khó khăn bởi “bão giá”, thời tiết,… nhiều doanh nghiệp giao thông vẫn cố gắng duy trì cơ chế thưởng Tết tốt đối với các kỹ sư, công nhân lao động trên công trường. Một doanh nghiệp giao thông đang thi công tuyến cao tốc bắc-nam cho biết, tuy năm qua bối cảnh thi công dự án còn phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của nhà thầu, nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì chế độ thưởng tháng lương thứ 13 cộng với thưởng thi đua cho người lao động, thấp nhất khoảng 15 triệu đồng/người. Với những người lao động thi công “xuyên Tết”, ngoài việc tổ chức đón Xuân ngay tại công trường, người lao động cũng được tính lương gấp ba lần ngày thường.

Khi Tết càng đến gần, cũng là lúc những người công nhân làm ăn xa nhà càng mong chờ tiền thưởng để tính toán về quê sum họp với gia đình. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, nhiều người đành tạm gác chuyện về quê ăn Tết vì chi phí đi lại quá tốn kém. Chị Nguyễn Thị Huyền (quê huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vào Cần Thơ làm công nhân mấy năm nay, nhưng Tết này đã xác định tiếp tục ở lại phòng trọ đón Tết cùng vài gia đình khác có hoàn cảnh tương tự.

Chị cho biết, năm vừa rồi doanh nghiệp gặp khó, ít đơn hàng, không có điều kiện tăng ca, thu nhập của cả hai vợ chồng chị chỉ đủ trang trải cuộc sống ngày thường nuôi con nhỏ, không tích góp được gì. “Hơn 10 năm rồi, cả nhà tôi đều ăn Tết xa quê, thấy người khác bàn tính chuyện về quê, lòng cũng thấy nôn nao nhớ nhà. Nhưng đường sá cách trở, điều kiện kinh tế eo hẹp cho nên hết Tết này đến Tết khác, vợ chồng con cái tôi chỉ có cách gọi điện về quê hỏi thăm sức khỏe, chúc Tết mọi người”, chị Huyền chia sẻ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả để chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của dân tộc, bảo đảm mọi người đều có Tết, đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, không để ai bị bỏ lại phía sau.