Ngăn chặn hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Theo đánh giá của chuyên gia Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình Phát triển Con người tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam thấp là do quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu dài (20 năm). Việt Nam cũng là nước duy nhất cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, từ đó làm tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho số lượng lớn người dân là người cao tuổi không tham gia vào hệ thống an sinh xã hội...

Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tới người lao động tự do tại tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh Trung tâm)
Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tới người lao động tự do tại tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh Trung tâm)

Cùng với việc cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần, những quy định thông thoáng, tạo thuận lợi cho người lao động khi có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội... đã là "kẽ hở" cho các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi.

Lợi dụng "kẽ hở" để trục lợi

Hiện nay, theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội, thì người lao động có quyền "ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội". Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và hoàn toàn phù hợp các quy định của pháp luật về quyền công dân.

Tuy nhiên, xuất phát từ việc nhận thức của người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định này để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động để thực hiện việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và hưởng chênh lệnh.

Thời gian qua, tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai phổ biến tình trạng cầm sổ bảo hiểm xã hội dưới hình thức ủy quyền, sau đó đề nghị giải quyết bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, cơ quan chức năng ở các địa phương đã kiến nghị cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới hình thức ủy quyền vẫn xảy ra với nhiều cách thức; một số trường hợp sử dụng cách thức tinh vi, như: đối tượng ở các tỉnh phía bắc (Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…) mua sổ, rồi sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người lao động mở nhiều tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng này lợi dụng thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 để nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần qua bưu điện tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm trục lợi.

Trong khi hiện nay chưa có quy định một người có thể nhận bao nhiêu ủy quyền, cũng như thời gian ủy quyền kéo dài bao lâu, cho nên đã xảy ra tình trạng một người nhận ủy quyền của hàng chục, hàng trăm người lao động để nhận bảo hiểm xã hội một lần, mà thực chất là hoạt động mua bán sổ bảo hiểm xã hội "núp bóng" ủy quyền.

Các "đầu nậu" thu gom sổ bảo hiểm xã hội còn có hình thức tinh vi hơn là nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần ở nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội khác nhau cho nên rất khó phát hiện... Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ trên giấy tờ và rất khó để xác định trường hợp nào là ủy quyền thật và trường hợp nào là ủy quyền trá hình. Chính vì lợi dụng kẽ hở trong ủy quyền, cho nên việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội vẫn ngang nhiên tồn tại...

Nghiêm cấm hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Trước thực trạng nêu trên, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, trong đó, đối với nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung điều, khoản nghiêm cấm hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, như: giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; Bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn tạo động lực cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu thu hút và tạo động lực để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, để ngăn chặn và xử lý hành vi thu mua sổ bảo hiểm xã hội, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, các ngành chức năng sẽ xem xét đề xuất quy định cụ thể trường hợp nào được phép ủy quyền hưởng, chứ không đại trà như hiện nay.

Để tránh hình thức "núp bóng" ủy quyền, các chuyên gia kiến nghị cần tránh tình trạng một người được ủy quyền nhận thay (nhận bảo hiểm xã hội một lần) nhiều lần; cần quy định cụ thể số lần được ủy quyền và rút ngắn thời hạn ủy quyền tối đa là ba tháng đối với trường hợp ủy quyền nhận thay trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.