Trục lợi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tinh vi

NDO -

Tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn đang có diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm do ý thức chủ quan ngày càng tinh vi, đa dạng. 

Đoàn thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội Quảng Ninh công bố quyết định thanh tra các doanh nghiệp tại tỉnh. (Ảnh: Đơn vị cung cấp).
Đoàn thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội Quảng Ninh công bố quyết định thanh tra các doanh nghiệp tại tỉnh. (Ảnh: Đơn vị cung cấp).

Thanh tra chuyên ngành tạo những chuyển biến tích cực

Từ ngày 1/1/2016, cơ quan Bảo hiểm xã hội chính thức được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Đến nay, chức năng thanh tra chuyên ngành của ngành bảo hiểm xã hội đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm thu đúng, thu đủ và giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Qua đó, góp phần hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi an sinh của người lao động.

Trục lợi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tinh vi -0
 

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, nếu như trước năm 2016 - thời điểm ngành bảo hiểm xã hội - chưa được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ tương đối cao so với tổng số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao.

Cụ thể, năm 2014 chiếm 4,86%; năm 2015 chiếm 3,74%. Từ năm 2016, số nợ đã giảm dần, tương ứng với 2,7% (năm 2016), 2,2% (năm 2017), 1,7% (năm 2018) và 1,6% (năm 2019). Riêng năm 2020, tỷ lệ nợ chiếm 3,35% tổng số phải thu. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến nợ bảo hiểm xã hội gia tăng.

Từ 2016-2020, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị truy đóng 664,1 tỷ đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với 240.245 người được tham gia và thụ hưởng quyền lợi an sinh xã hội. Từ đó, thu hồi về Quỹ Bảo hiểm xã hội số tiền 50,4 tỷ đồng tiền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội không đúng quy định; thu hồi về Quỹ Bảo hiểm y tế số tiền 828,4 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định; chưa chấp nhận thanh toán về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế số tiền là 169,9 tỷ đồng...

Nhằm tăng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực đẩy mạnh triển khai trên cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này, giúp giảm thời gian làm việc trung bình so với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống. Theo đó, riêng với đơn vị sử dụng lao động giảm 22,8% thời gian làm việc của đoàn thanh tra, kiểm tra và 49,6% thời gian làm việc của đối tượng được thanh tra kiểm tra.

Có thể nói, những chuyển biến rõ rệt trong công tác thu, giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế thời gian qua cho thấy, việc quy định giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan Bảo hiểm xã hội là hoàn toàn phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Từ đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời, răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cần sửa đổi Luật để phòng, chống lạm dụng, trục lợi Quỹ

Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn đang có diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm do ý thức chủ quan ngày càng tinh vi, đa dạng.

Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra. Tình trạng tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng bảo hiểm xã hội nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi bảo hiểm xã hội thông qua việc giải quyết chế độ thai sản khi sinh con.

Trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, có nhiều trường hợp sử dụng thẻ bảo hiểm y tế không đúng quy định, thông đồng với nhân viên y tế làm giả hồ sơ để trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế; lập hồ sơ bệnh án nhưng không có người bệnh; kê tăng số lượng, thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh nhưng thực tế người bệnh không sử dụng; thu tiền của người bệnh đối với chi phí thuốc, vật tư y tế đã có trong cơ cấu giá ngày giường điều trị, công khám bệnh, dịch vụ kỹ thuật…

Tuy nhiên, do chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành việc thanh toán, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nên khi cơ quan Bảo hiểm xã hội phát hiện các hành vi sai phạm hoặc có dấu hiệu trục lợi Quỹ chỉ có thể từ chối thanh toán hoặc yêu cầu hoàn trả về Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý; không có chế tài xử lý, thu hồi số đã chi sai, vì vậy không đủ sức răn đe, không ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Trong khi đó, công chức thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phải tập trung các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo chức năng chuyên sâu nên việc thanh tra thực hiện các chính sách này thời gian qua không nhiều, dẫn đến hiệu quả phòng ngừa các vi phạm hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Về lĩnh vực này, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiều thuận lợi do có nguồn nhân lực đủ điều kiện, cơ sở vật chất, hệ thống dữ liệu tập trung, hệ thống phần mềm đồng bộ từ tham gia, giải quyết chế độ chi tiết đến từng cá nhân nên việc thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ trong thanh tra được kịp thời ở mọi nơi, mọi lúc. Chưa kể, nếu chức năng thanh tra chuyên ngành về thanh toán, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ giúp tăng hiệu quả việc thanh tra chuyên ngành về đóng và tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chi đầu ra các quỹ, góp phần ngăn chặn, hạn chế tối thiểu các hành vi lạm dụng, trục lợi, hướng tới bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Đồng thời, sẽ góp phần kiểm soát hiệu quả việc thu - chi trong phạm vi nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.