Người Cộng sản kiên trung
Dẫn chúng tôi lên gác hai của ngôi nhà trên phố Tôn Đản (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) - nơi thờ tự và lưu giữ những kỷ vật gắn bó với cuộc đời của nguyên Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu, bà Đặng Minh Châu đã kể về cha mình và tình cảm xa cách của hai cha con không chỉ trong những năm tháng chiến tranh đằng đẵng mà ngay cả khi đất nước đã hòa bình.
Đồng chí Đặng Việt Châu (tên khai sinh là Đặng Hữu Rạng) sinh năm 1914, là con thứ ba của cụ tú tài Hán học Đặng Hữu Mai, một nhà nho có tiết tháo và cụ bà Vũ Thị Miện, quê ở thôn Bách Tính, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, Nam Định. Từ nhỏ, được cha rèn chữ, dạy đạo làm người yêu nước, trung nghĩa, chàng thanh niên Đặng Việt Châu không chỉ tiếp thụ tinh thần và giá trị của tự do-bình đẳng-bác ái mà hơn hết đã hiểu rõ tình cảnh đồng bào mình bị áp bức lầm than để nuôi dưỡng ý chí vươn lên đấu tranh giành tự do, độc lập…
Gia nhập Hội học sinh Đỏ, nhóm tập hợp học sinh yêu nước ở thành Nam, Đặng Việt Châu bí mật phát truyền đơn lan tỏa tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, tham gia bãi khóa phản đối thói kỳ thị học trò bản xứ của viên đốc học người Pháp… Nằm trong danh sách bị chính quyền Pháp theo dõi và có thể bị bắt giam bất kể lúc nào, nhân dịp nghỉ Tết Âm lịch năm 1930, ông bỏ học, thoát ly gia đình, thực hiện “vô sản hóa” ở Hải Phòng. Gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương đầu năm 1931, Đặng Việt Châu thuộc lớp những người cộng sản đầu tiên được trui rèn, trưởng thành, vượt qua sự đàn áp khủng bố dã man của kẻ thù sau cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh và kiên định duy trì tổ chức của Đảng lãnh đạo phong trào công nhân đoàn kết đấu tranh đòi trả đủ lương, quyền lợi của người lao động.
Trong những năm từ 1932-1940, Đặng Việt Châu bị thực dân Pháp bắt ba lần, bị kết án 5 năm tù giam và gần ba năm lưu đày vì tội “hoạt động cộng sản”. Sự tàn bạo của nhà tù đế quốc không thể ngăn cản ông cùng bạn tù là những chiến sĩ cách mạng kiên trung như các đồng chí Lê Duẩn, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Lương Bằng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tạo, Nguyễn Danh Đới… đi đầu lãnh đạo các cuộc đấu tranh phản đối chế độ hà khắc của cai ngục, chống lại tư tưởng bi quan, an phận trong nội bộ tù nhân và mở các lớp huấn luyện nâng cao trình độ lý luận, bí mật ra báo Lao tù tạp chí, Vô sản tạp chí…
Mùa hè năm 1937, được trả tự do, Đặng Việt Châu về Nam Định kết nối những đồng chí cũ để phục hồi phong trào, tổ chức đón đồng chí Nguyễn Văn Cừ bí mật về Bách Tính (xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) họp bàn việc tái lập tổ chức đảng. Trong một năm, Tỉnh ủy lâm thời Nam Định, sau đó là Xứ ủy Bắc Kỳ, Liên Xứ ủy Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ được thành lập. Đặng Việt Châu là Xứ ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, phụ trách khu C gồm các tỉnh: Nam Định, Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa; tham gia lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát-xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình; xây dựng và phát triển khối đoàn kết liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, gia nhập các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh đánh đuổi đế quốc, phát-xít Pháp-Nhật, giành quyền độc lập.
Tháng 12/1944, đồng chí Đặng Việt Châu được Thường vụ Trung ương Đảng cử làm đại diện giới công thương tham gia phái đoàn của Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu sang Trung Quốc bàn việc hợp tác chống phát-xít Nhật và tranh thủ các lực lượng ở hải ngoại. Trong chuyến đi này, tại Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc), lần đầu tiên, ông được gặp Lãnh tụ Hồ Chí Minh với biết bao cảm xúc: “Không thể tả hết nỗi mừng trong lòng tôi khi biết đó là Bác ta!… Bao nhiêu năm vào Đảng, nay mới gặp lãnh tụ. Sung sướng nào cho bằng!” .
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Đặng Việt Châu đã đảm nhiệm nhiều trọng trách cấp cao như Thứ trưởng các bộ: Kinh tế, Công thương, Thương nghiệp, Ngoại thương; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kiêm Trưởng Ban Hợp tác khoa học kỹ thuật và hợp tác kinh tế; Bộ trưởng Tài chính; Phó Thủ tướng, kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng Ngoại thương kiêm hợp tác kinh tế; Trưởng ban Kế hoạch tài chính Trung ương Đảng; Cố vấn cấp cao của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng; đồng thời là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI.
Những chính sách như khuyến khích tư nhân, thương nhân phát triển, hay phát triển công nghiệp địa phương của ông sau này được Đảng ta nhận định là thành tựu quan trọng trong chuyển hướng kinh tế từ thời bình sang thời chiến, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc trách lĩnh vực kinh tế đối ngoại, đồng chí Đặng Việt Châu đã nghiên cứu và vận dụng xuất sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo tinh thần “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Hội đồng Chính phủ tại Thác Dẫng, Sơn Dương, Tuyên Quang, ngày 6-7/4/1951. |
“Đồng chí Đặng Việt Châu là Thứ trưởng Công thương từ năm 1950-1955. Những thế hệ tiếp nối như chúng tôi đều rất tự hào vì có những bậc tiền bối như nguyên Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu. Ông thật sự là nhà lãnh đạo, quản lý kinh tế tài năng, thuộc lớp người tiên phong, khai mở, có nhiều tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo kinh tế, công nghiệp và thương mại của đất nước”, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Cha và con gái
Bà Minh Châu bồi hồi kể lại với chúng tôi về những năm tháng tuổi thơ mồ côi mẹ, còn cha phải hoạt động cách mạng xa nhà: “Tháng 2/1945, khi tôi mới được một tuổi rưỡi thì mẹ mất, ba tôi đi công tác xa nhà. Tôi được chú, thím nuôi dưỡng. Hồi bé, tôi ở với chú, thím trên Phú Thọ, hàng xóm ai cũng ngạc nhiên vì thấy tôi gọi bà thím bằng bu. Họ luôn hỏi bố mẹ tôi đâu. Năm 1948, khi 5 tuổi tôi mới lần đầu được gặp ba. Lần ấy là nhân Hội nghị Cán bộ ở Việt Bắc, ông đã ghé nhà chú thím thăm gia đình. Khi ông đến, tôi chỉ dám dòm qua cánh cửa liếp để nhìn xem là ai. Mãi mới dám ra gặp ba, nhưng cũng chỉ đứng nhìn ông bằng đôi mắt lạ lẫm…”.
Tháng giêng năm 1950, khi bà thím mất vì bom giặc ném xuống làng, cô bé Minh Châu 8 tuổi và ba đứa em họ may mắn chạy thoát. Khi đó, đồng chí Đặng Việt Châu vẫn đang công tác ở ATK Sơn Dương, Tuyên Quang và con gái được đón lên ở với ba mấy tháng; khi thì ở cơ quan ông, khi thì sang bên cơ quan Hội Phụ nữ đóng ở gần Tân Trào, nơi mẹ kế công tác. Đến giữa năm 1951, trại trẻ của Hội Phụ nữ Việt Nam được thành lập trên Khe Khao, Bắc Kạn và cô bé Minh Châu là một trong những đứa trẻ đầu tiên được nuôi dưỡng ở đây.
Tháng 9/1954, hơn 100 thiếu nhi Việt Nam từ 9-14 tuổi được gửi sang Liên Xô ăn học. Cùng với rất nhiều con em cán bộ khi ấy, cô bé 11 tuổi Đặng Minh Châu lại tiếp tục xa nhà để học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam - Khu nội trú Internat ở Moskva.
Trở về nước, Minh Châu được ở cùng ba suốt 3 năm học cấp III, nhưng cứ buổi sáng là đã thấy xe đến đón ông đi làm việc; con gái Minh Châu khi ấy khi vừa đi học, vừa cùng các bạn vào các xóm lao động, vận động người dân đi học các lớp bổ túc văn hóa do chính mình dạy, cho nên hầu như cũng không có thời gian gần ba. “Ba tôi suốt ngày bận bịu với công việc, ngay cả người thân, anh em họ hàng cũng không được gặp ông nhiều. Dù ít khi có thời gian trò chuyện, nhưng tôi vẫn nhớ ba tôi vất vả lắm; ăn uống, sinh hoạt cũng rất giản dị. Lúc nào tôi cũng thấy ba tôi làm việc”, bà Minh Châu xúc động chia sẻ.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Đặng Việt Châu gắn bó trưởng thành cùng phong trào cách mạng của dân tộc. Là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, ông đảm trách nhiều cương vị chủ chốt của chính quyền nhân dân từ ngày đầu thành lập. Ông đã gắn bó và đồng hành cùng đồng bào mình trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Ghi nhận cống hiến của nguyên Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu, Đảng, Nhà nước ta đã tặng đồng chí Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, và nhiều phần thưởng cao quý khác với lời khẳng định: Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đặng Việt Châu là tất cả vì phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân. Đồng chí luôn sống bình dị, liêm khiết và trong sạch. Làm đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Cần-kiệm-liêm-chính-chí công vô tư .
Bà Minh Châu lặng lẽ nhìn bức ảnh hiếm hoi của hai cha con khi đồng chí Đặng Việt Châu sang thăm con gái lúc bà đang học ở Liên Xô năm 1957. Hơn ai hết, bà đã hiểu những hy sinh của ba, một người cộng sản kiên trung, hết mình phụng sự dân tộc. Vì yêu con gái cho nên ông mới lấy tên con làm tên mình… Và vì thế, chúng ta mới có một nhà lãnh đạo ưu tú Đặng Việt Châu.