Năm 1929, đồng chí được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động và khi thành lập An Nam Cộng sản Ðảng, đồng chí được cử là người đứng đầu, đi dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðến Hải Phòng, đồng chí bị địch bắt, bị kết án khổ sai chung thân và đày đi Côn Ðảo. Tuy không có mặt ở hội nghị nói trên, đồng chí vẫn được cử vào BCH T.Ư lâm thời của Ðảng.
Năm 1936, khi được trả tự do, đồng chí về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, cùng một số đồng chí khôi phục tổ chức Ðảng và các tổ chức cách mạng khác ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, được Ðảng phân công cùng đồng chí Trường Chinh phụ trách các tờ báo của Ðảng. Năm 1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Trong những năm tháng cực kỳ khó khăn của cách mạng, đồng chí đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc, chắp nối, khôi phục, củng cố và phát triển nhiều cơ sở đảng và lực lượng quần chúng, chuyển hướng các hình thức, phương thức hoạt động, đấu tranh cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ. Năm 1941, tại Hội nghị T.Ư lần thứ tám của Ðảng, đồng chí được cử vào BCH T.Ư Ðảng. Tại Hội nghị toàn quốc tháng 8 năm 1945, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ T.Ư, cùng Trung ương Ðảng lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, sau đó được Trung ương cử vào Nam Bộ giúp Xứ ủy củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất. "Ðồng chí đã cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, thực hiện nghiêm chỉnh và sáng tạo tư tưởng và chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, kiên cường giữ vững sự lãnh đạo của Ðảng, chuẩn bị và chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ". (Ðiếu văn của BCH T.Ư Ðảng tại Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Quốc Việt ngày 20-12-1992).
Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nhiều năm được Ðảng phân công phụ trách công tác Mặt trận, Dân vận của Ðảng, làm Chủ tịch Tổng Công đoàn, Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ðược Nhà nước ủy nhiệm, đồng chí đã xây dựng hệ thống Viện Kiểm sát Nhân dân và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong nhiều năm, góp phần xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này trong thể chế nhà nước từ trung ương đến địa phương. Tất cả những người đã từng cộng tác hoặc tiếp xúc với đồng chí Hoàng Quốc Việt đều có chung ấn tượng sâu sắc về hình ảnh của một đảng viên bất khuất, kiên trung, liêm khiết, có tác phong bình dị, chân thành và cởi mở, đặc biệt quan tâm đến người lao động; một đồng chí lãnh đạo có tính nguyên tắc cao, linh hoạt sắc sảo, nghiêm khắc nhưng cũng rất khoan dung. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn đi sâu, đi sát thực tiễn, hòa mình vào nhân dân, dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu. Những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học quý về công tác vận động nhân dân, gắn bó Ðảng với nhân dân. Trong tác phẩm Tăng cường liên hệ với quần chúng, rèn luyện lối sống cách mạng, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình (NXB Sự thật, năm 1966), đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: Ðảng liên hệ với quần chúng nhân dân không những qua chính sách và phương pháp công tác mà còn qua các tổ chức chính quyền, các đoàn thể quần chúng, chủ yếu là qua các tổ chức cơ sở của Ðảng là chi bộ và qua bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Mối liên hệ giữa Ðảng và nhân dân là mối liên hệ sinh động và phát triển qua công tác thực tế hằng ngày và thái độ đối với quần chúng của mỗi người đảng viên và cán bộ của Ðảng. Cho nên, liên hệ với quần chúng cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức và khả năng công tác của một cán bộ, đảng viên. Người cán bộ, đảng viên tốt phải là người có liên hệ chặt chẽ với quần chúng và biết làm tốt công tác vận động quần chúng".
Là một trong những học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tiếp thu và thực hiện xuất sắc những tư tưởng cách mạng của Bác Hồ. Trong cuốn hồi ký "Con đường theo Bác", (NXB Thanh niên, năm 1990) đồng chí Hoàng Quốc Việt đã viết: "... Bài học đầu tiên mà Bác dạy cho chúng tôi là bài học "tư tưởng người cách mạng". Ai không có tư cách hoặc không đủ tư cách không thể làm cách mạng, làm cán bộ. Kẻ tuy mẫn tiệp, nhưng ích kỷ nhỏ nhen, hoặc kẻ hào phóng, nhưng đầu óc u tối, đều không thể đứng trong đội ngũ tiên phong. Tư cách người cách mạng mà Bác dạy cho chúng tôi bao gồm những phẩm chất và năng lực, lòng vị tha và tình bác ái". Ðọc những dòng viết đúc kết những gì đồng chí Hoàng Quốc Việt đã học ở Bác Hồ, thật xúc động và sâu sắc. "Chúng ta không chỉ nói về Bác, mà điều quan trọng là chúng ta đã làm được gì theo lời Bác dạy... Ðọc các trước tác của Bác, tôi thấy đều gói ghém trong dòng tư tưởng nhất quán: Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc. Sáu chữ ấy thiêng liêng làm sao, nó chứa chan nghĩa nước, ôm ấp tình đời, tình người. Bác nói rằng, giành độc lập là mục tiêu số một. Nhưng khi mục tiêu số một đạt được rồi, mục tiêu số hai: Tự do, Hạnh phúc lại trở thành số một... Lời nói của Bác có được thực hiện hay không, điều này còn phụ thuộc vào lương tâm, nhận thức, hành động, trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội. Làm sao, mỗi con người đều có lương tâm gom góp phần mình vào xây dựng xã hội tương lai. Ðó là chuẩn bị của đạo đức mà Bác đã dạy chúng ta và chỉ có chuẩn mực ấy mới có thể đưa chúng ta tới CNXH, ấm no, hạnh phúc".
Học Bác nhưng làm theo mới xứng đáng là học trò của Bác. Ngẫm lại cuộc đời hoạt động của đồng chí Hoàng Quốc Việt, càng thấy rõ đồng chí Hoàng Quốc Việt, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương cho những đảng viên lớp sau noi theo.