Người gìn giữ nhịp chiêng

Tiếp chuyện chúng tôi tại nhà riêng ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, sau chuyến trở về từ Thủ đô Hà Nội, Nghệ nhân Ưu tú, già làng K’Tiếu hào hứng: “Đó là chuyến đi “lớn” trong đời, vinh dự lắm. Mình tự hứa phải cố gắng hơn để nhiều lớp trẻ của người Cơ Ho Srê mình biết đánh chiêng, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình”.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng K’Tiếu dạy đánh chiêng cho lớp trẻ tại nhà riêng.
Già làng K’Tiếu dạy đánh chiêng cho lớp trẻ tại nhà riêng.

Già làng K’Tiếu được bà con Cơ Ho Srê nơi đây ví là người giữ nhịp chiêng buôn làng. Đã qua hơn 70 mùa rẫy, với hàng chục năm miệt mài truyền dạy, tìm lớp kế cận duy trì tiếng chiêng giữa buôn làng, già K’Tiếu được mệnh danh là pho từ điển về văn hóa của người Cơ Ho làm lúa nước.

Ông tường tận các điệu chiêng, văn hóa dân gian của đồng bào mình. Với sự kiên trì, tận tình truyền dạy của ông, đến nay, toàn xã Đinh Lạc đã có hơn 200 người thành thạo nhiều điệu chiêng truyền thống, trong đó có hơn 30 người là thành viên câu lạc bộ cồng chiêng tại địa phương.

Nghệ nhân Ưu tú, già làng K’Tiếu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; là điển hình tiên tiến của tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu ra Hà Nội tham dự hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, nhân 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).

Mình nói đây là chuyến đi “lớn” là thế. Mình được giới thiệu để biểu dương, tôn vinh về thành tích trong giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa cồng chiêng của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Già làng K’TIẾU

Trong không gian trưng bày những bộ chiêng quý tại nhà riêng, già say sưa kể về tuổi thơ của mình gắn với tiếng cồng, tiếng chiêng, điệu yal yau của bà, của mẹ. Năm lên tuổi 14, buôn làng mở hội có lễ ăn trâu hiến sinh, là lễ hội lớn, mùa “ăn năm, uống tháng”, K’Tiếu với năng khiếu bẩm sinh đã tự nhiên thẩm thấu được nhịp chiêng, điệu dân ca, dân vũ…

Sau đó, ông theo những người già trong buôn để học các bài chiêng và nhanh chóng chơi thành thạo. “Hồi đó, khi nghe ở buôn làng nào có lễ hội là mình tìm đến để nghe và học. Cách đây hơn 20 năm, mình nhận thấy văn hóa cồng chiêng đang dần bị lãng quên, nên đứng ra vận động mọi người tập luyện, trực tiếp hướng dẫn và mở lớp truyền dạy. Giờ lớp trẻ ở buôn làng mình rất nhiều đứa biết đánh chiêng, đi giao lưu tốt rồi”, già K’Tiếu trải lòng.

Hàng chục năm qua, khi tiếng chiêng thưa dần thì nhà ông trở thành trường học, già K’Tiếu trở thành người hướng dẫn đặc biệt truyền dạy cồng chiêng cho hơn 200 con trai, con gái ở buôn gần, làng xa.

Thành quả là vậy, nhưng quá trình tổ chức truyền dạy cũng gặp nhiều khó khăn, già K’Tiếu phải lặn lội gõ cửa từng nhà vận động người dân tập đánh cồng chiêng, cơ sở vật chất thiếu thốn, bộ chiêng để tổ chức lớp học cũng phải đi mượn...

“Mượn chiêng là chuyện rất khó khăn, vì chiêng là vật quý mang ý nghĩa tâm linh được ông bà tổ tiên để lại cho gia đình, dòng họ. Rồi việc nhiều người tỏ ra không tâm huyết với cái cồng, cái chiêng; lớp trẻ thì suốt ngày lên internet… nên có lúc mình nghĩ sẽ bỏ cuộc”, già K’Tiếu tâm sự.

Từng bước vượt qua khó khăn, những kết quả từ các lớp học đặc biệt do già K’Tiếu hướng dẫn đã mang lại kết quả đáng mừng. Cùng những cư dân buôn làng khác, câu lạc bộ cồng chiêng xã Đinh Lạc có hơn 30 thành viên, phần lớn là từ lớp học của già K’Tiếu, họ đã chơi thuần thục nhiều bài chiêng truyền thống, thường xuyên đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh.

“Mình thuộc thế hệ sau, nghe già K’Tiếu phân tích, mình phải quyết tâm học và thực hành các điệu chiêng để có thể truyền dạy cho thế hệ con cháu của mình”, ông K’Tình (53 tuổi), thành viên Câu lạc bộ cồng chiêng xã Đinh Lạc nói.

Bí thư Chi bộ thôn Duệ MHiu Nguyên chia sẻ, chính sự tận tâm của già làng K’Tiếu đã truyền lửa, thôi thúc cộng đồng người Cơ Ho nơi đây nỗ lực học tập, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của dân tộc.

“Tôi cùng vợ và con gái đều tham gia các lớp học đánh chiêng do già K’Tiếu truyền dạy. Nghệ nhân Ưu tú, già làng K’Tiếu là người giữ nhịp chiêng cho buôn làng mình”, ông MHiu Nguyên gợi hình ảnh sinh động.

Cồng chiêng với các tộc người thiểu số Tây Nguyên không chỉ là nhạc cụ, mà là vật quý, vật thiêng của gia đình, cộng đồng. Tiếng cồng, tiếng chiêng theo suốt vòng đời của con người, từ khi sinh ra đến khi về với rừng Yàng. Cồng chiêng là biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có, là cầu nối giao tiếp giữa con người với thần linh, không thể thiếu trong các nghi lễ và lễ hội của cộng đồng.

“Lớp trẻ đã thấu hiểu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mình vui lắm. Tiếng cồng, tiếng chiêng của người Cơ Ho Srê rồi sẽ ngân vang mãi”, già K’Tiếu bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc Trương Quốc Phương khẳng định, già làng K’Tiếu là một người uy tín trong cộng đồng, có đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ông là người vừa truyền dạy, vừa truyền lửa và là người đi tuyên truyền, vận động các thế hệ tham gia đánh cồng chiêng, nhất là việc đưa cồng chiêng vào trường học.

“Địa phương đã có định hướng phát huy một số nét văn hóa truyền thống khác, như trang phục, làng nghề rượu cần, đan lát… Kết hợp không gian văn hóa cồng chiêng với các làng nghề là cơ hội phát triển kinh tế, du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc thông tin.