Người gìn giữ “báu vật” của quê hương

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn di sản này luôn được các cấp, ngành và nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh quan tâm, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Cải chế tác, phục dựng múa sư tử mèo của tỉnh Lạng Sơn.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Cải chế tác, phục dựng múa sư tử mèo của tỉnh Lạng Sơn.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Cải (sinh năm 1976) ở thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) là một trong số ít người còn lưu giữ, thực hành đầy đủ các kỹ năng làm và múa sư tử mèo một cách thuần thục.

Giữa đông, cả thôn Sơn Hồng chìm trong giá rét. Ấy vậy mà, từ sáng sớm các thanh niên trai tráng trong bản đã tụ tập tại nhà văn hóa thôn để tập luyện các điệu múa về sư tử mèo. Nghệ nhân Hoàng Văn Cải đang hướng dẫn đội múa sư tử của thôn tập luyện để sẵn sàng phục vụ bà con trong dịp Tết đến, Xuân về. Chia sẻ về cơ duyên đến với điệu múa sư tử mèo, anh Cải cởi mở: “Từ nhỏ, được cha dắt đi xem múa sư tử trong những ngày lễ hội mùa xuân, tôi rất ấn tượng với những thanh âm rộn ràng, náo nhiệt. Năm 1996, tôi đã tìm đến các bậc cao niên trong làng học hỏi các điệu múa, trò diễn, các quy tắc, lề lối ứng xử trong các nghi thức, nghi lễ, hoạt động múa sư tử truyền thống của dân tộc Tày, Nùng”.

Với 24 năm tâm huyết thực hành và truyền dạy, đến nay anh Hoàng Văn Cải đã lĩnh hội được các bài múa, trò diễn liên quan đến múa sư tử dân tộc Tày, Nùng, tiêu biểu như: Múa ở miếu (thó tỳ), múa chúc mừng năm mới các nhà trong làng, múa tại lễ hội; múa võ tay không, múa gậy, múa đinh ba chạc, múa đoản đao, nhảy qua ống cót, nhảy qua cửa dao, nhảy vòng lửa... Sau khi học, nắm bắt và có khả năng thực hành các điệu múa, trò diễn trong múa sư tử, những năm qua, anh thường xuyên tham gia trình diễn trong các dịp lễ, Tết; tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ðể góp phần gìn giữ di sản, anh Hoàng Văn Cải còn trực tiếp thực hành, truyền dạy lại cho nhiều thế hệ học trò trên địa bàn xã Gia Cát nói riêng và huyện Cao Lộc nói chung. Tính đến nay, anh Cải đã truyền dạy cho 90 học trò là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn, bản và các xã trong huyện Cao Lộc.

Múa sư tử mèo mang nhiều ý nghĩa, không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của người miền núi, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống. Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Cát, Ðặng Ðức Sơn cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử trên địa bàn xã có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Hoàng Văn Cải. Anh đã tích cực thực hành, biểu diễn tại các chương trình giao lưu văn hóa, lễ hội trong và ngoài tỉnh và tâm huyết truyền dạy cho các thế hệ về nghệ thuật trình diễn múa sư tử. Anh là tấm gương sáng về bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số ở địa phương. Với những đóng góp tiêu biểu, nghệ nhân Hoàng Văn Cải đã được tặng nhiều bằng khen của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như của tỉnh Lạng Sơn. Mới đây, nghệ nhân Hoàng Văn Cải vinh dự được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể, với loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian”.