Người Ê Đê “kết nghĩa mẹ con”

NDO - Từ xa xưa, người Ê Đê đã có tập tục kết nghĩa để nhận con nuôi . Mặc dù n gười phụ nữ Ê Đê có gia đình, con cái đầy đủ nhưng vẫn muốn có một đứa con “kết nghĩa”. Thông qua nghi lễ, mối quan hệ gia đình và dòng họ đồng bào Ê Đê được xây dựng không chỉ trên cơ sở quan hệ huyết thống, họ hàng, mà còn vững bền qua sự liên kết giữa những người trong tộc họ khác, dân tộc khác.
0:00 / 0:00
0:00
Chuẩn bị rượu cần cho buổi lễ kết nghĩa.
Chuẩn bị rượu cần cho buổi lễ kết nghĩa.

Đối với dân tộc Ê Đê việc nhận con nuôi, mẹ nuôi xuất phát từ tấm lòng trong sáng đầy tình người của đồng bào. Lễ nhận con nuôi, “kết nghĩa mẹ con” được tiến hành tại nhà mẹ nuôi, có sự chứng kiến của già làng và đông đảo bà con trong dòng họ. Bà con dòng họ hai bên ngồi đối diện nhau trao đổi ý kiến.

Người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi cùng chạm tay vào vòng (kông) và hứa trước hai già làng từ nay về sau sẽ coi nhau như mẹ con ruột thịt. Họ phải có trách nhiệm chăm sóc nhau, vui buồn, sướng khổ có nhau. Người được nhận làm con nuôi hứa với già làng sẽ chăm sóc và coi mẹ nuôi như mẹ đẻ.

Người Ê Đê “kết nghĩa mẹ con” ảnh 1

Các nghệ nhân hoà bài chiêng “Drông tuê’’ tức là Đón khách. Đây là bài chiêng báo cho các vị thần và linh hồn ông bà - những người đã khuất về chứng giám và phù hộ cho gia đình, đồng thời thông báo và mời gọi họ hàng của hai gia đình cùng về dự lễ, chứng kiến, chung vui trong lễ nhận con nuôi.

Lễ vật mà mẹ nuôi trao cho gia đình người nhận con nuôi gồm một chiếc khăn tượng trưng cho cái khăn thổ cẩm mà mẹ chàng trai hay cô gái đã đã địu, chăm ẵm trên lưng từ thuở nhỏ, một chiếc áo, một bát đồng, tượng trưng cho chiếc bát đựng sữa mẹ, một ché rượu cần.

Lễ vật này của người mẹ nuôi bày tỏ mong muốn trả ơn phần nào cho người mẹ ruột từng mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng đứa con khôn lớn thành người. Người mẹ nuôi mặc chiếc áo truyền thống và đeo xâu chuỗi lên cổ con nuôi. Chiếc áo này tự tay mẹ nuôi dệt nên. Mặc xong chiếc áo, hai mẹ con ôm nhau thắm tình mẫu tử.

Kể từ đây cho đến hết cuộc đời, họ là người một nhà. Hai bên gia đình đặt tín vật cho hai già làng để họ làm chứng. Nếu có vấn đề gì xảy ra thì hai già làng đứng đầu dòng họ phải có trách nhiệm giải quyết ổn thỏa.

Người Ê Đê “kết nghĩa mẹ con” ảnh 2

Nghi thức đeo vòng của dòng họ cầu mong sức khoẻ, thể hiện tình cảm và gắn kết mẹ con.

Trong lễ kết nghĩa mẹ con không thể thiếu lời kể K’han - một thể loại sử thi trường ca truyền thống được ngân lên ngay lúc này. Mọi người cùng nhau nhớ lại công lao của ông bà cha, mẹ ta đi trước, với những lời nhắn nhủ đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau, những tình cảm thiêng liêng của con người dành cho nhau.

Sau khi thực hiện các nghi lễ, mọi người uống rượu cần chia vui, chúc mừng hai mẹ con và hai dòng họ. Việc “kết nghĩa mẹ con” là một phong tục tốt đẹp, được qui định rõ trong luật tục Ê Đê. Nghi lễ nhận con nuôi với những nghi thức thiêng liêng, thể hiện nét tinh tế của đồng bào trong quan hệ, ứng xử, cố kết cộng đồng, mang những ý nghĩa nhân văn, giáo dục sâu sắc.

Người Ê Đê “kết nghĩa mẹ con” ảnh 3

Mọi người cùng nhau nghe lời kể K’han để nhớ lại công lao của những người đi trước với lời nhắn nhủ đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau.

Người Ê Đê “kết nghĩa mẹ con” ảnh 4

Lễ kết nghĩa mẹ con được kết thúc bằng màn cồng chiêng

Người Ê Đê “kết nghĩa mẹ con” ảnh 5

Đồng bào Ê Đê cùng nhau nhảy múa, chia sẻ niềm vui trong lễ kết nghĩa mẹ con.