Tại các cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng Mỹ chuyển sang lựa chọn các sản phẩm nhãn hiệu có giá thành rẻ hơn, tìm đến các cửa hàng giảm giá hoặc đơn giản là ít mua đồ ăn vặt hơn, cũng như tránh xa những quầy bán thực phẩm cao cấp.
Thực tế này khiến các công ty thực phẩm lớn phải tiết giảm tốc độ tăng giá so với đỉnh điểm của ba năm qua. Ðiều này không có nghĩa là giá thực phẩm sẽ giảm trở lại mức của vài năm trước, nhưng mức tăng nhẹ hơn về giá thực phẩm sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát, hiện giảm mạnh từ mức đỉnh 9,1% năm 2022 xuống còn 3,1%.
Phản ứng của người tiêu dùng trước giá hàng hóa cao khiến các chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm, tạo sự khác biệt so với những đợt tăng giá phi mã của những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, vốn mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát.
Khi lạm phát cao kéo dài, người tiêu dùng thường rơi vào trạng thái “tâm lý lạm phát”, tức là họ đổ xô đi mua hàng và mua số lượng nhiều do lo ngại giá còn tăng nữa, một vòng luẩn quẩn khiến lạm phát kéo dài.
Theo nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của Công ty tư vấn EY, người dân Mỹ đang chi tiêu thận trọng hơn, nhất là người tiêu dùng thu nhập thấp, vốn đang phải cõng trên lưng các khoản nợ ngân hàng và thẻ tín dụng. Ông lưu ý tổng doanh số bán hàng trong mùa mua sắm Giáng sinh 2023 chỉ tăng 4%, trong đó phần lớn là do giá cao hơn chứ không phải do người tiêu dùng mua nhiều hơn.
Chuyên gia về chiến lược đầu tư tại Corbu, ông Samuel Rines lấy một loạt các công ty làm thí dụ điển hình cho việc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược tăng giá để bảo đảm doanh số. Tập đoàn Unilever tăng giá trung bình 13,3% cho tất cả thương hiệu của mình trong năm 2022 và doanh số bán hàng của họ giảm 3,6% trong năm đó. Do đó, năm 2023, Unilever chỉ tăng giá 2,8%, đổi lại doanh số bán hàng tăng 1,8%.
Tương tự, sau khi doanh số bán hàng giảm trong ba tháng cuối năm 2023, PepsiCo tuyên bố trong năm 2024 sẽ kiềm chế việc tăng giá và tập trung vào việc thúc đẩy doanh số. Rõ ràng, các tập đoàn đa quốc gia này rất nhanh nhạy trong nắm bắt tâm lý người tiêu dùng Xứ Cờ hoa, đề ra chiến lược bán hàng phù hợp trong từng thời điểm.
Trong khi đó, tin vui đến với người dân Mỹ khi nền kinh tế số 1 thế giới được dự báo không rơi vào suy thoái. Theo kết quả nghiên cứu vừa được tổ chức Conference Board công bố, nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái, mặc dù chỉ số kinh tế hàng đầu (LEI) của Xứ Cờ hoa cho thấy sản lượng kinh tế vẫn đi ngang những tháng sắp tới. Chỉ số LEI giảm 0,4% trong tháng 1/2024 xuống còn 102,7, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái ngắn hạn do đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, so với cùng kỳ sáu tháng trước đó, tốc độ suy giảm LEI chậm lại đáng kể và là mức suy giảm thấp nhất kể từ tháng 8/2022.
Quản lý cấp cao của Conference Board, bà Justyna Zabinska-La Monica giải thích, trong khi chỉ số LEI giảm tiếp tục báo hiệu những “cơn gió ngược” đối với hoạt động kinh tế, thì lần đầu trong hai năm qua, sáu trong số 10 thành phần của chỉ số này tiến triển tích cực trong sáu tháng qua và LEI hiện không cho thấy một cuộc suy thoái nào sắp xảy ra. Ngoài ra, điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Mỹ góp phần làm thay đổi dự báo suy thoái của Conference Board đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp liên tục thấp và tình hình tín dụng sáng sủa cũng như số lượng giấy phép xây dựng nhà và đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa sản xuất cũng là những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ.