Chứng khoán thế giới “đỏ sàn” do lo ngại lạm phát ở Mỹ

Sàn chứng khoán Phố Wall đã chứng kiến sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 13/7 sau khi các dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 6, qua đó các nhà đầu tư nhận định chi phí vay sẽ tăng hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 11/7. (Ảnh: Reuters)
Các nhà giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 11/7. (Ảnh: Reuters)

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 0,5%, đứng ở mức 3.801,78 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,7%, chốt phiên ở mức 30.772,79 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,2%, xuống mức 11.247,58 điểm. Sự sụt giảm này cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ quan ngại về tình trạng lạm phát tiếp tục tăng có thể làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

Theo số liệu chính thức của Bộ Lao động Mỹ công bố trước đó cùng ngày, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 6 tăng lên 9,1%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Trong khi đó, sàn chứng khoán châu Âu cũng không khả quan trong bối cảnh tỷ giá euro/USD đã giảm xuống dưới 1 lần đầu tiên trong vòng gần 20 năm, theo đó, trong phiên giao dịch ngày 13/7, 1 euro chỉ đổi được 0,998 USD.

Chỉ số FTSE 100 trên sàn chứng khoán London chốt phiên ở mức 7.156,37 điểm sau khi giảm 0,7%. Cũng với mức giảm tương tự, chỉ số CAC 40 tại Paris đứng ở mức 6.000,24 điểm sau khi phiên giao dịch kết thúc. Chỉ số DAX trên sàn chứng khoán Frankfurt giảm 1,2%, xuống mức 12.756,32.

Giới chuyên gia phân tích nhận định triển vọng kinh tế của 19 quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozne) ngày càng u ám trong bối cảnh nguồn cung ứng dầu mỏ từ Nga ngày càng hạn chế.

Trước đó cùng ngày, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết không thể đảm bảo hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ vận hành tốt và chưa rõ Canada có trả lại tuabin khí được gửi đến nước này để sửa chữa hay không.

Từ ngày 11/7, Gazprom đã bắt đầu quá trình bảo trì định kỳ hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1, theo đó ngừng chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống này trong 10 ngày, trong khi EU, đặc biệt là Đức, lo ngại khả năng đường ống này không được đưa hoạt động trở lại. Các tuabin khí đang được bảo dưỡng tại một nhà máy của hãng Siemens (Đức) ở Canada.

Trong thông báo mới, Gazprom cho biết chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc cho phép Siemens đưa các tuabin khí ra khỏi Canada. Trong hoàn cảnh đó, Gazprom không thể đưa ra kết luận khách quan nào về những diễn biến tiếp theo và đảm bảo trạm trung chuyển Portovaya sẽ hoạt động an toàn. Nhà máy này là một cơ sở trọng yếu trong Dòng chảy phương Bắc 1.