Nhanh chóng đưa khách quét mã QR để trả tiền, anh Thành - shipper của một shop thực phẩm trên phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ: Dù bịt kín từ đầu đến chân để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, nhưng tôi vẫn thấy sức nóng hầm hập của cái nắng nóng gay gắt đầu mùa. Bù lại, hôm nay là ngày thứ bảy, cho nên số lượng đơn hàng tăng vọt. Bận rộn, vất vả hơn, cho nên tôi phải căn giờ để giao hàng nhanh gọn nhất. Trước khi đến gọi điện thoại hẹn giờ chính xác với khách hàng. Mỗi giao dịch chưa đến 5 phút, cho nên lượng hàng vẫn trôi nhanh.
Đẩy tạm xe hàng vào bóng mát của cây bằng lăng trên đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, chị Nguyễn Thị An bán cây cảnh rong cho biết: Nắng nóng giữa trưa nắng khiến tôi cảm thấy chóng mặt nên phải tranh thủ tìm chỗ râm mát để ngồi nghỉ. Trời nắng, người ra đường ít, cho nên hàng hóa cũng không chạy, tôi nghỉ chút rồi chiều lại đi bán tiếp.
Vào những lúc thời tiết không thuận lợi như thế này, người lao động ngoài trời và những người dân bám đường phố để mưu sinh là những thành phần chịu vất vả hơn cả. Gầm cầu, những cây to có bóng mát, quán nước ven đường đều được người lao động biến thành nơi trú ngụ buổi trưa để trốn nắng.
Trên công trường cầu Vĩnh Tuy, bất chấp nắng nóng, gần 200 công nhân vẫn tập trung thi công để bảo đảm tiến độ dự án. Đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, để ứng phó với đợt nóng này, các công nhân thực hiện phân ca, phân kíp vào chiều tối và đêm để vừa đủ tám tiếng làm việc, vừa giữ sức khỏe cho người lao động.
Nhiệt độ nắng nóng kỷ lục cũng khiến các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời bị đình trệ. Các khu phố đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), phố Trần Nhân Tông - công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) hay đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình)… mọi khi thu hút đông khách du lịch, cũng như người dân Thủ đô đến nghỉ ngơi, vui chơi. Song trong ngày nắng nóng đầu tiên của mùa hè 2023, ngoại trừ đầu buổi sáng có đông người tập thể dục, từ 10 giờ sáng trở đi, các phố đi bộ thưa vắng dần.
Ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, đến giữa trưa, toàn bộ các không gian được nhiều người ưa thích như: ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vắng vẻ, có những thời điểm gần như không một bóng người.
Trưa 6/5, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vắng lặng, không một bóng người. |
Nắng nóng nên người dân ở nhà, hoặc tìm chỗ mát trú chân. Anh Nguyễn Huy Hoàng, khách du lịch đến từ Nam Định cho biết: “Tôi được biết phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là không gian thú vị, nhưng hôm nay nắng nóng gay gắt, cho nên tôi chọn ngồi quán cà phê ven hồ để ngắm không gian. Nắng nóng nên cũng không có hoạt động văn hoá, nghệ thuật gì”.
Tuy ban ngày nắng nóng gay gắt nhưng đến khoảng 18 giờ, thời tiết chuyển mát. Phố xá bắt đầu lên đèn, các hoạt động vui chơi, giải trí ở các tuyến phố đi bộ cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu sôi động trở lại. Những người hoạt động trong ngày du lịch, dịch vụ mong nắng nóng sớm chấm dứt để mọi việc trở lại bình thường.
Trong mấy ngày nắng nóng, sản lượng điện năng tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội cũng tăng theo. Nếu như ngày 3/5, sản lượng điện tiêu thụ chỉ hơn 60 triệu KWh, thì sang ngày 4/5 đã tăng lên hơn 71 triệu KWh và vào ngày 5/5, đạt mức hơn 78 triệu KWh. Ngày 6/5, nhiệt độ tại Thủ đô Hà Nội tiếp tục ghi nhận mức cao nhất từ đầu năm đến nay với mức nhiệt 41 độ, cộng hưởng hiệu ứng đô thị có thể lên mức nhiệt cao hơn.
Công tác cung cấp điện được ngành điện bảo đảm trong những ngày nắng nóng cao điểm. |
Đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHanoi) cho biết, đơn vị vẫn bảo đảm vận hành hệ thống cung ứng điện cho toàn thành phố, không xảy ra sự cố nào về hệ thống điện trong những ngày nắng nóng vừa qua. EVN Hanoi đã xây dựng kịch bản, giải pháp cấp điện cho mùa nắng nóng cao điểm.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hà Nội dự báo, công suất đỉnh của toàn thành phố trong cao điểm mùa nắng nóng năm 2023 sẽ tăng khoảng 10% và trường hợp cực đoan tăng tới 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Các công ty điện lực của EVNHanoi đã thực hiện rà soát, phân tích, đánh giá số liệu phụ tải theo từng khu vực, dự báo phụ tải sát với thực tế nhằm xây dựng kịch bản, giải pháp cấp điện phù hợp, trong đó có tính toán đến trường hợp sự cố cực đoan nhất trên lưới điện để có phương án ứng phó kịp thời.
Đơn vị này cũng đang nỗ lực đẩy nhanh vận hành hệ thống tự động hóa lưới điện trung áp, giám sát chặt chẽ tình hình mang tải trên lưới điện để kịp thời xử lý nhanh khi có tình trạng đầy tải, quá tải đường dây và trạm biến áp, bảo đảm cung cấp điện an toàn, thông suốt.