Người dân các tỉnh phía bắc chống chọi với nắng nóng kỷ lục

NDO - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong hai ngày qua, ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng gay gắt và nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 đến 40 độ C, có nơi trên 41 độ C như: Phù Yên (Sơn La) 41,6 độ C, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 42,9 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 43,1 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 41,3 độ C… độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 35-50%.
0:00 / 0:00
0:00
Những ngày qua, người dân thành phố Vinh, Nghệ An, phải chống chọi với đợt nắng nóng kỷ lục. (Ảnh: Thành Châu)
Những ngày qua, người dân thành phố Vinh, Nghệ An, phải chống chọi với đợt nắng nóng kỷ lục. (Ảnh: Thành Châu)

Nắng nóng gay gắt không chỉ đảo lộn cuộc sống của người dân, mà còn đe dọa nguy cơ cháy rừng.

Tại thành phố Vinh (Nghệ An), từ 8 giờ sáng nay 6/5, người dân đã bắt đầu cảm nhận mức độ gay gắt của đợt nắng nóng đầu tiên trong năm. Người đi đường trang bị khẩu trang, áo chống nắng để chống lại cái nắng bỏng rát. Mọi người đều hạn chế ra khỏi nhà vào lúc đỉnh điểm nắng nóng từ 11 giờ đến 13 giờ, cho nên nhiều tuyến đường ở nội thành thành phố Vinh vắng vẻ.

Tuy nhiên giữa cái nắng gay gắt, nhiều người dân vẫn phải vật lộn với công việc vì mưu sinh.

Ông Nguyễn Văn Thắng, trú tại thành phố Vinh, có thâm niên 10 năm làm nghề vận chuyển, bốc vác tại Bến xe chợ Vinh chia sẻ; công việc bắt đầu từ khoảng 4 giờ và kết thúc lúc 14 giờ hằng ngày. Trưa là lúc cao điểm nhận, gửi hàng, cường độ công việc cao hơn. Làm việc giữa trời nắng nóng 40 độ C, sân bê-tông hấp nhiệt, lại phải bốc vác hàng hóa nặng nên rất mất sức.

Người dân các tỉnh phía bắc chống chọi với nắng nóng kỷ lục ảnh 1
Người dân vật lộn mưu sinh dưới cái nóng gay gắt. (Ảnh: Thành Châu)

Anh Nguyễn Văn Nam, quê ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An chia sẻ, những ngày này khối lượng công việc tăng cao nên anh em phải làm việc hết công suất. Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng vì cuộc sống mưu sinh cho nên anh phải cố gắng hơn.

Trước nguy cơ cháy rừng hiện hữu, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương cần duy trì lực lượng trực 24/24 giờ tại chòi canh lửa; tập trung lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, trực phòng cháy, chữa cháy rừng tại các tổ chốt chặn cửa rừng để kiểm tra người ra, vào rừng, tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng lửa trong rừng gây cháy lan vào rừng. Nghiêm cấm mọi hành vi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì...

Ngày 6/5, tỉnh Hòa Bình có nắng nóng gay gắt trên diện rộng, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 39-40 độ C. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy, nổ ở khu vực dân cư và nguy cơ xảy ra cháy rừng…

Tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan và người dân trên địa bàn cần chủ động đề phòng, cảnh giác.

Để chủ động các biện pháp ứng phó với thời tiết nắng nóng gây ra trên địa bàn, tỉnh chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất thời gian tiếp xúc với nắng nóng; cảnh báo người dân bơi lội trên các sông, suối, ao, hồ, nhất là tại các nơi nước sâu, dòng chảy siết; quản lý trẻ em đề phòng đuối nước. Các trường học cần tăng cường; phổ biến về phòng, chống đuối nước cho học sinh; hạn chế chăn thả trâu bò, gia súc, gia cầm khi nhiệt độ ngoài trời trên 37 độ C; che lưới chống nắng, giữ độ ẩm cho cây trồng...

Ba tháng qua, tại địa bàn tỉnh Sơn La liên tục có nắng nóng kéo dài, có ngày nhiệt độ ngoài đường lên tới 39 độ C. Trời ít mưa, hanh khô và nắng nóng kéo dài, cho nên nhiều nơi xuất hiện tình trạng hạn hán, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân.

Người dân các tỉnh phía bắc chống chọi với nắng nóng kỷ lục ảnh 2

Hạn hán tại các diện tích trồng lúa ở Phù Yên (Sơn La) do nắng nóng kéo dài.

Tại các huyện: Yên Châu, Sốp Cộp, Mường La, Mai Sơn và thành phố Sơn La, do người dân vẫn đốt nương trong ngày nắng nóng cho nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, ước tính thiệt hại khoảng 10ha rừng hỗn giao, tái sinh, lau lách.

Tại các huyện có nhiều diện tích trồng cây ăn quả như Phù Yên, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu, Mường La và thành phố Sơn La, nắng nóng kéo dài cũng làm một số diện tích cây ăn quả bị rụng hoa, khó đậu quả và nguy cơ héo úa.

Huyện Phù Yên có khoảng 2 ha lúa bị hạn không thể phục hồi được. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, không có mưa thì 72,6 ha lúa tại các xã và 2.000 ha ngô các xã vùng Mường cũng đứng trước nguy cơ hạn hán, chết héo vì thiếu nước.

Huyện Phù Yên đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn người dân lấy nước tưới ẩm và chỉ đạo các tổ thủy nông luân phiên điều tiết nước về các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến cây trồng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày 6/5, huyện Yên Châu được coi là một trong những nơi nắng nóng nhất của Sơn La, với nhiệt độ khu vực này lên tới 40,3 độ C.

Khoảng sáu năm trở lại đây, tại tỉnh Sơn La mới ghi nhận đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng như trong năm nay. Tại nhiều huyện vùng dọc sông Đà, có nơi ghi nhận nhiệt độ từ 41 độ đến 42 độ C, đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hiện tỉnh Sơn La có 83 hồ chứa nước, cũng do nắng nóng kéo dài cho nên dung tích trữ nước trung bình tại các hồ này đều xuống dưới 50%. Nhiều hồ chứa nước có dung tích lớn không bảo đảm được việc cung ứng nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, không có mưa thì nguy cơ hạn hán ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp là rất lớn.