Cụ thể, đoạn Km32+800 đến Km33+400 thuộc khu 13 và 14 xuất hiện đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 600m. Vị trí sạt lở cách chân đê bối Hồng Đà khoảng 50m, cách nhà dân khoảng 100m và nằm sát phần móng trụ đầu cầu Trung Hà đang trong giai đoạn thi công, sửa chữa.
Ông Nguyễn Văn Toản, khu 13, xã Dân Quyền cho biết, gần 1 tháng trở lại đây, tại khu 13 và 14 thuộc xã đã diễn ra tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà ngày càng nghiêm trọng, khiến hàng chục ha đất bãi, rau màu của người dân bị cuốn trôi. Nguy hiểm hơn, sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm mét đê bối và uy hiếp tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân sinh sống ven bờ sông Đà.
Còn theo anh Nguyễn Văn Dũng, khu 13, xã Dân Quyền, chia sẻ, gia đình anh thuê lại đất màu của người dân với diện tích hơn 10 sào để trồng chuối. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của thiên tai, mưa bão kéo dài, mực nước sông dâng lên đã ảnh hưởng lớn đến diện tích canh tác của gia đình. Hơn 1.000 cây chuối của gia đình tương đương với hơn 1.000 buồng chuối đã bị nước sông cuốn trôi, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Người dân xã Dân Quyền nói chung và người dân khu 13, 14 nói riêng mong muốn các cấp chính quyền nhanh chóng vào cuộc, xử lý kè nhằm tránh tình trạng sạt lở, giúp họ bớt lo lắng và sớm ổn định đời sống. Tình trạng sạt lở nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như độ an toàn của công trình cầu Trung Hà.
Bà Lê Hương Ly, Trưởng khu 13, xã Dân Quyền, cho biết thêm, đoạn tiếp giáp kè ở khu 13 qua khu 14, đến chân cầu Trung Hà có chiều dài gần 600m. Sạt lở bờ sông đã cuốn trôi nhiều diện tích đất đai, hoa màu của người dân. Sạt lở đã ăn sâu vào đất liền 70-80m, chỉ còn cách đê bối địa phương chừng 50m…
Sạt lở chỉ còn cách đê bối và nhà dân vài chục mét. |
Đặc biệt từ giữa tháng 6/2024 đến nay, tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp. Cả vùng đất bãi bỗng nhiên xuất hiện những vết nứt to, kéo dài rồi từ từ sạt mạnh kéo theo hàng nghìn cây chuối xuống sông. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xem xét xử lý, sớm xây dựng kè nhằm giải quyết tình trạng sạt lở nghiêm trọng, để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dân Quyền Nguyễn Trọng Thi cho biết, hiện nay tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, sạt lở đến khu đất sản xuất của nhân dân và sát bờ đê bối, giáp với khu vực sinh sống của khu dân cư. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào khu vực chân cầu Trung Hà diện tích từ 200m2 đến 300m2. Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân xã đã cho cắm biển báo, căng dây cấm người và gia súc đến gần khu vực nguy hiểm.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân xã báo cáo Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông về tình trạng sạt lở tại khu 13 và khu 14 và đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm có biện pháp xử lý kè khẩn cấp tại khu vực sạt lở trên để bảo đảm đời sống cũng như tài sản, tính mạng của người dân.
Trước mắt, Ủy ban nhân dân xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để bà con nhân dân nắm được tình hình sạt lở hiện nay, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra tại khu vực sạt lở
Ông Thi cho biết thêm, nguyên nhân của tình trạng sạt lở trên là do phía bờ đông nam sông Đà thuộc thành phố Hà Nội đã được kè gia cố, dòng chảy chuyển hướng sang bờ tây bắc thuộc xã Dân Quyền. Mặt khác, do lượng mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong những ngày vừa qua.
Được biết, Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông đã có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Đà, đoạn từ Km32+800 đến Km33+400, thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, hiện Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ những điểm có nguy cơ sạt lở và những điểm đang diễn ra tình trạng sạt lở, từ đó đánh giá, thẩm định mức độ và nguyên nhân sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời.