Thái Nguyên phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp vận tải có nhiều nỗ lực đáp ứng đi lại bằng xe buýt của người dân, công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Tuy nhiên, để phát triển cũng như khuyến khích người dân tham gia, tỉnh cần có giải pháp đầu tư, quản lý, vận hành đồng bộ, chuyên nghiệp hơn.
Đi lại bằng xe buýt ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đi lại bằng xe buýt ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đi lại thuận lợi

Chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, làm công nhân Khu công nghiệp Điềm Thụy, huyện Phú Bình, ngày nào cũng đi tuyến xe buýt số 04 từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại. Chị Thu chia sẻ: “Nhà máy cách nhà tôi gần 20 km, trước đây đi làm bằng xe máy rất vất vả, nhất là vào những ngày trời mưa, rét, bụi bẩn, lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Từ khi tỉnh và doanh nghiệp tổ chức tuyến xe buýt 04 thì việc đi lại hằng ngày từ nhà đến nhà máy trở nên an toàn, thuận lợi. Xe đi và đến đúng giờ, khoảng 10-15 phút/chuyến nên không phải chờ lâu”.

Những năm gần đây, mạng lưới xe buýt trên địa bàn Thái Nguyên phát triển rộng khắp, kết nối các huyện, thành phố với nhau; kết nối các địa bàn trong tỉnh với các bệnh viện, các khu, cụm công nghiệp, các trường đại học và đến bến giáp ranh tỉnh Bắc Giang, thành phố Hà Nội, hình thành tour du lịch về nguồn thuận lợi. Từ khi tuyến xe buýt số 30 từ Di tích lịch sử quốc gia 915, nơi 60 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh ở phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên đi qua nhiều địa chỉ du lịch, di tích dọc đường, kết nối với di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa được tổ chức với tần suất 35 phút/chuyến đã giúp cho người dân, học sinh đi lại thăm viếng, du lịch, trải nghiệm các địa danh thuận lợi.

Là doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng lớn nhất tỉnh, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan đang vận hành gần 10 tuyến xe buýt trên địa bàn, mỗi ngày tổ chức 550 chuyến xe buýt, vận chuyển 14 nghìn lượt khách, từ tháng 9/2024 bổ sung thêm gần 10 xe cho các tuyến có lưu lượng hành khách đông. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên Phạm Quang Anh, tỉnh hiện có năm đơn vị vận tải bằng xe buýt với 155 xe, khai thác hầu hết tuyến đường kết nối các địa phương, bệnh viện, trường đại học, khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, công nhân, học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Cần có chính sách hỗ trợ người dân

Vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thái Nguyên hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội, tiện lợi cho người dân, góp phần giảm phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc vào giờ cao điểm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và các tuyến đường có đông công nhân đi lại vào giờ cao điểm. Song trước nhu cầu được phục vụ ngày càng cao của xã hội, yêu cầu phát triển bền vững, vận tải xanh thì dịch vụ vận tải thiết yếu này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện tỉnh mới chỉ có bến trung chuyển hành khách xe buýt tại trung tâm thành phố Thái Nguyên là cơ bản đáp ứng yêu cầu về mặt bằng đủ rộng, hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ, còn lại đều chưa đáp ứng yêu cầu, các bến bãi còn lại sơ sài, thiếu thốn cơ sở vật chất. Điển hình tại bến Tân Long, xe buýt phải đỗ dưới lòng đường để chờ đón khách, chờ giờ xuất bến, hành khách chờ xe không có chỗ trú chân, không có chỗ đi vệ sinh...

Mặt khác, đây là nơi nhu cầu đi lại lớn, nhưng đầu đi và đến của xe buýt ở huyện Đại Từ không có bến, doanh nghiệp phải thuê tạm một vị trí tại ngã ba Yên Lãng đến đón, trả khách nên lộn xộn, mất vệ sinh. Điểm dừng, đỗ xe buýt đón, trả khách chủ yếu chiếm nửa mặt đường nên nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Tổ chức xe buýt trên địa bàn còn bất cập, đó là tình trạng chồng chéo tuyến dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh; tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ nên giá vé còn cao; doanh nghiệp xe buýt quy mô nhỏ, không có tiềm lực nên chất lượng xe thấp, nhiều xe cũ nát, đang đối mặt với thách thức tồn tại khi thực hiện lộ trình chuyển đổi sang xe chạy điện cần vốn đầu tư rất lớn”.

Hiện nhu cầu đi lại bằng xe buýt tại tỉnh Thái Nguyên ngày càng lớn, chủ yếu là những người thu nhập còn thấp, kinh tế khó khăn như công nhân, người đi khám, chữa bệnh, học sinh, sinh viên, nhưng tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đi lại bằng xe buýt nên giá vé còn cao, và là chi phí đáng kể đối với không ít người đi lại thường xuyên bằng xe buýt.

Theo ông Hà, việc thu phí bến trung chuyển, không có chính sách trợ giá vé cho hành khách, hỗ trợ doanh nghiệp xe buýt thì tất cả các chi phí về bến bãi, giá trị mỗi xe chạy dầu là khoảng 1,5 tỷ đồng, chuyển đổi sang xe điện là bốn tỷ đồng/xe, đầu tư trạm sạc điện… đều phải tính trên giá vé, hành khách chủ yếu đi xe buýt là các thành phần xã hội còn khó khăn gánh chịu. Do đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ giá vé, chuyển đổi xe điện để dịch vụ vận tải công cộng này phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của xã hội.