Nỗ lực khắc phục thiệt hại
Những ngày cuối tháng 11, anh Trần Bá Điệp, thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang (huyện Lục Ngạn) cùng với lao động địa phương tiếp tục dọn dẹp những cây chuối chết héo để đào hố trồng những cây cam, bưởi Diễn thay thế cho vườn cây bị bão số 3 quật ngã, gãy đổ. Anh Điệp chia sẻ: Gia đình đang thuê 10 người lao động với khoảng hai triệu đồng tiền công/ngày đào cây chuối bị gãy, chết, thu dọn vệ sinh, trồng thay thế bằng cây bưởi Diễn. Hiện do nhiều vườn cây trên địa bàn bị thiệt hại, cần trồng mới nên giá cây giống tăng bình quân hơn 30% so với trước đây…
“Riêng đối với các nhà vườn bị thiệt hại như chúng tôi đang thiếu vốn, phân bón, vật tư, cho nên rất mong tỉnh, huyện và ngân hàng sớm có chính sách cho hộ dân được tiếp cận vốn ưu đãi, giảm, khoanh nợ, hỗ trợ phân bón… để người dân kịp bắt tay khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống”, anh Điệp kiến nghị.
Thôn Đoàn Kết nằm ở gần sông nên mỗi khi mưa bão đến, nước sông dâng cao gây ngập gần như toàn bộ 235 hộ dân trong thôn. Theo Trưởng thôn Đoàn Kết Trần Doãn Thăng, cây ăn quả trên địa bàn đều bị ngập úng, đổ ngã… với số lượng thống kê khoảng 30 ha chuối, 30 ha táo và hơn 40 ha ổi, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đơn cử như gia đình anh Điệp có hơn 1 ha trồng chuối, bưởi, táo đang chuẩn bị quả bói chờ cuối năm thu hoạch. Bão số 3 vào, gây gió to, mưa lớn, ngập lụt làm cho hai mẫu trồng chuối bị đổ ngã; mấy trăm cây táo bị rụng hết quả…, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Huyện Lục Ngạn là một trong các địa phương bị thiệt hại lớn do bão số 3 và hoàn lưu với diện tích khoảng 5.000 ha cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cam, bưởi, vải thiều, táo bị đổ, chết, rụng quả... Ngoài ra, hơn 8.000 ha lâm nghiệp; 105 ha cây lúa bị đổ ngã; cây ngô và rau màu là hơn 262 ha… Hiện nay, huyện đã làm báo cáo đề xuất kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp và thủy sản bị thiệt hại do bão số 3 khoảng 48 tỷ đồng. Đồng thời, huyện khẩn trương chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức niêm yết công khai các trường hợp bị thiệt hại để thống kê báo cáo đề xuất kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Khẩn trương có cơ chế, chính sách hỗ trợ
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện khẩn trương hoàn thành việc đánh giá tổng thể, toàn diện, đầy đủ, trung thực những thiệt hại do bão lũ gây ra.
Việc khôi phục rau màu, cây lâm nghiệp, chăn nuôi cũng đang được thực hiện trong toàn tỉnh. Những thửa ruộng “sáng lúa, chiều màu” ngày một tăng. Đây cũng là một trong những giải pháp tăng diện tích cây vụ đông so với dự kiến của tỉnh để bù đắp một phần thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do bão lũ. Đồng thời tiếp nhận, đề xuất hỗ trợ giống, phân bón từ các nguồn để người dân tái sản xuất, bảo đảm thực phẩm phục vụ thị trường những tháng cuối năm.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn Đinh Văn Phương cho biết: Huyện đã, đang tập trung khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão. Đồng thời thống kê, đề xuất cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân. Riêng công tác thống kê, tiếp nhận, hỗ trợ, sử dụng nguồn lực hỗ trợ được lãnh đạo huyện chỉ đạo triển khai công khai, minh bạch. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.
Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, trong đó quan trọng nhất là các chính sách để hỗ trợ người dân tái sản xuất nông, lâm nghiệp…, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương chủ động, tích cực huy động nguồn lực để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo định hướng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024...
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, Sở đã triển khai các văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã chủ động rà soát lại kế hoạch sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi khắc phục hậu quả bão, lũ. Đặc biệt, Sở đang trình báo cáo tỉnh Bắc Giang hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn.