Chỉ tay về tấm biển tên Trường mầm non Sín Thầu, ông Pờ Dần Sinh nói: Bây giờ việc học ở biên giới đâu khác gì miền xuôi có trường, có lớp ở trung tâm xã và có cả lớp học mầm non ngay tại bản. Thế hệ chúng tôi ngày trước, để học cái chữ, phải đi bộ vài trăm cây số về Trường Dân tộc Nội trú tỉnh rồi ở đó cả năm trời. Miếng ăn, giấc ngủ đều một tay các thầy, cô ở trường chăm bẵm, nâng niu.
Ông Pờ Dần Sinh bồi hồi nhớ lại những ngày đầu vượt núi, vượt sông từ biên giới Sín Thầu về trường học chữ. Ông Sinh kể: Năm 1972, khi ấy tôi 12 tuổi, gia đình quyết định đưa tôi về Trường Dân tộc nội trú tỉnh ở huyện Ðiện Biên (nay là thành phố Ðiện Biên Phủ) học chữ. Chặng đường từ nhà đến trường là đường mòn, dài gần 400 km, phải đi qua núi, vượt qua sông. Sau gần chục ngày đi bộ, tôi cùng bố và anh trai cũng đến được trường.
Người đầu tiên đón cũng là người dạy tôi cầm bút viết nét chữ đầu tiên là cô giáo Nguyễn Quý Lạc, sau này là Nhà giáo Ưu tú. Mấy chục năm trôi qua, không khi nào tôi quên ánh mắt, nụ cười và cái ôm nồng ấm mà cô giáo Nguyễn Quý Lạc đã dành cho chúng tôi ngày xưa ấy.
Sáng ngày đầu tiên thức giấc, đã thấy cô Lạc ngồi cạnh giường, chung quanh, khung cảnh, bạn bè đều xa lạ. Như hiểu được lo âu choán tâm hồn con trẻ, cô choàng hai tay ôm tôi vào lòng, vỗ về: “Em yên tâm, ở đây có cô và các bạn. Từ nay, các em sẽ là con cô, là anh em chung lớp, chung trường”!
Những ngày tiếp theo, cô Lạc dạy chúng tôi cách ăn, nếp ngủ, dạy từng nét chữ, lời đọc. Lớp có hơn chục học sinh là con em của hơn chục dân tộc, mỗi đứa một tính, mỗi đứa một ngôn ngữ, vậy mà cô kiên nhẫn dạy bảo từng trò. Ðược cô chăm sóc, dạy chữ 4 năm liền, tập thể lớp tôi luôn đạt tập thể tiên tiến, có nhiều học sinh giỏi, chăm ngoan nhất trường…
Mới đó mà đã mấy chục năm đi qua; ông Sinh bộc bạch: “Tôi và bạn bè cùng trang lứa là con em các dân tộc thiểu số ở các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông mãi nhớ công ơn dạy dỗ, nuôi nấng của cô. Bố tôi dạy chúng tôi, “phải luôn biết ơn thầy, cô giáo, vì chính thầy, cô là những người không quản gian nan từ miền xuôi lên miền núi dạy chữ, đưa ánh sáng về với đồng bào”…!
Nhiều thầy cô dành thanh xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục học sinh vùng cao tỉnh Ðiện Biên. (Ảnh MỸ HÀ) |
Ông Pờ Dần Sinh kể về thầy Nguyễn Văn Bôn, người đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp giáo dục của huyện Mường Tè, Mường Nhé thuộc hai tỉnh Lai Châu và Ðiện Biên ngày nay. Bố ông là cụ Pờ Pó Chừ (dân tộc Hà Nhì), sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Pờ Pó Chừ tin theo Ðảng, theo cách mạng, tham gia tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ.
Sau đó, cụ được kết nạp Ðảng, được tin tưởng giao trọng trách cán bộ xã. Vậy nhưng công việc xã rất khó khăn vì cụ không biết chữ. Ðến năm 1959, khi thầy giáo Nguyễn Văn Bôn về xã Mù Cả (huyện Mường Tè) dạy học, cụ cùng các cán bộ xã thời ấy xin đi học. Ngày đi làm, tối về các cụ đốt lửa trước sân nhà nhờ thầy Bôn dạy chữ. Phấn không có, bảng cũng không, thầy Bôn đã lấy than củi viết xuống nền đất từng chữ, để học trò đọc, viết theo.
Khó khăn, thiếu thốn như thế nhưng cụ Pờ Pó Chừ đã đọc thông, viết thạo. Còn học sinh và người dân ở Mù Cả thì sau 5 năm được thầy Bôn dạy đều biết đọc, biết viết. Năm 1963, Trường Mù Cả trở thành nơi đầu tiên của rẻo cao Việt Nam tuyên bố hết nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học. Thầy Nguyễn Văn Bôn được trao tặng danh hiệu Anh hùng giáo dục vào năm 1962.
Sau này, khi thầy Bôn chuyển công tác rời Mường Tè (huyện cũ trước khi chia tách thành hai huyện Mường Nhé, Mường Tè ngày nay) cụ Chừ và dân bản Hà Nhì không được gặp thầy nữa. Dù thời gian có qua đi, lớp lớp người dân tộc Hà Nhì, dân tộc H’Mông, dân tộc La Hủ, dân tộc Thái… luôn nhớ công ơn trời biển của các thầy, các cô.
Nhờ sự dạy dỗ, chăm lo của các thầy, cô giáo mà con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Nhé, Mường Tè đã hiểu hơn giá trị việc học, nỗ lực khắc phục khó khăn để theo học lên các cấp, trở thành cán bộ, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã. Hiện, trong dòng họ Pờ thuộc con cháu của cụ Pờ Pó Chừ có hơn 40 người có trình độ thạc sĩ, cử nhân…, đảm đương nhiều vị trí ở các sở, ngành cấp tỉnh, huyện, xã.
Cũng nhờ công của các thầy, cô giáo như thầy Bôn, cô Lạc đã gieo những con chữ đầu tiên và gieo ánh sáng tri thức cho con em đồng bào các tộc ở vùng ngã ba biên giới Việt Nam-Trung Quốc-Lào, mà giờ đây sự học ở vùng biên giới này đã đổi thay với 100% số học sinh trong độ tuổi đều đến trường; đời sống nhân dân các dân tộc ở Sín Thầu ngày càng tốt hơn và Sín Thầu cũng là xã đầu tiên của huyện Mường Nhé được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.