Giống như bánh chưng đối với người dân miền bắc, bánh tét không thể thiếu trong mâm cỗ giao thừa hay bữa cơm ngày Tết của các gia đình ở Cần Thơ. Theo các nghệ nhân làm bánh, bánh tét cầu kỳ nhất trong các loại bánh dân gian ở thủ phủ của miền Tây Nam Bộ.
Tuy chưa có kết luận chính xác về mốc thời gian bánh tét ra đời ở miền trung và miền nam nước ta, song tên gọi bánh tét có hai cách giải thích được nhiều tài liệu lịch sử, văn hóa đề cập. Thứ nhất, bánh tét là cách đọc biến âm của bánh tết, do món này thường xuất hiện vào dịp Tết cổ truyền. Thứ hai, tên bánh thể hiện cách thức ăn bánh, đó là dùng sợi lạt gói bánh để “tét” (cắt) đòn bánh tròn thành từng khoanh.
Ngoài bánh tét truyền thống nhân mặn (thịt, mỡ, đậu xanh) và nhân ngọt (chuối, các loại đậu), người dân miền Tây còn chế biến nhiều loại như bánh tét lá cẩm, bánh tét cốm dẹp, bánh tét bắp non… Trong đó, bánh tét lá cẩm với màu sắc bắt mắt và ngũ vị hài hòa đã tạo nên dấu ấn ẩm thực đặc sắc ở mảnh đất “gạo trắng nước trong”, theo chân du khách đi khắp đất nước và ra cả nước ngoài, trở thành một món quà thơm thảo của quê hương Cần Thơ.
Những lát bánh tét với màu tím thẫm xen lẫn màu vàng của đậu xanh, một chút màu nâu xám của thịt nạc, màu trắng trong của lát mỡ heo (lợn), màu vàng đậm của lòng đỏ hột vịt muối đã tạo ra thứ hương vị thật đặc biệt. Bánh tét lá cẩm cũng từng được kênh CNN Travel (Mỹ) giới thiệu chi tiết trong một chương trình quảng bá du lịch Việt Nam.
Không chỉ đa số người dân Cần Thơ mà nhiều du khách yêu thích khám phá văn hóa ẩm thực đều biết đến tên cố nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng (Sáu Trọng), người đã sáng tạo, nâng tầm món bánh tét lá cẩm từ những thập niên 70 của thế kỷ trước thành món ăn nổi tiếng xứ Tây Ðô.
Ở Cần Thơ hiện có vài chục hộ làm bánh tét lá cẩm, trong đó khá nhiều là con cháu họ hàng trong gia đình nghệ nhân Sáu Trọng. Một số lò nổi tiếng như Sáu Trọng, Tư Ðẹp, Chín Cẩm, Minh Tân, Út Bé… hoạt động quanh năm.
Từ khoảng cuối tháng 11 âm lịch đến nay, lò bánh tét lá cẩm của gia đình bà Huỳnh Thị Ðẹp (Tư Ðẹp) và ông Nguyễn Văn Bền ở phường An Thới (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) mỗi ngày mỗi “nóng” hơn với lượng đơn đặt bánh Tết tăng đều đặn.
Nửa thế kỷ qua, ba đời cha truyền con nối đã làm nên thương hiệu lò bánh Tư Ðẹp nức tiếng gần xa, được thương lái đưa đi phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh và khắp các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, nhiều kiều bào ở nước ngoài cũng đặt hàng cho gia đình và người thân.
Ngày thường, lò bánh cho ra thị trường khoảng 100 đòn bánh tét mỗi ngày, còn mùa Tết thì từ 1.000-2.000 đòn bánh mỗi ngày. Dẫn khách vào tham quan, anh Nguyễn Ngọc Ðức (39 tuổi), con trai bà Tư Ðẹp và cũng là thế hệ thứ ba đang điều hành cơ sở, tự hào “khoe” rằng mùa Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay tuy giá gạo nếp tăng cao nhưng các món bánh Tư Ðẹp vẫn giữ nguyên giá bán và chất lượng.
Cũng theo anh Ðức, dù việc sản xuất bánh nay có sự hỗ trợ của một số loại máy móc hiện đại, nhưng các công đoạn quan trọng nhất vẫn phải duy trì cách làm thủ công, truyền thống để bảo đảm hương vị thơm ngon đặc trưng. Cơ sở hiện cung cấp các loại bánh tét lá cẩm nhân mặn (thịt mỡ, trứng muối, tôm khô, đậu xanh, gạo nếp, nước cốt dừa…), nhân chay (đậu xanh, chuối xiêm, gạo nếp, nước cốt dừa…) với giá bán từ 60 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng.
Quan sát những người thợ đưa tay trải lá, múc nhân, cuộn bánh, cột dây nhịp nhàng và thoăn thoắt, ăn ý và sinh động, có thể hiểu tại sao người ta nói làm bánh tét lá cẩm là cả một nghệ thuật. Bánh gói xong sẽ được đem nấu (luộc) trong khoảng 5 tiếng đồng hồ, vớt ra căng tròn và thơm ngậy. Dù bánh có công thức chung nhưng ở mỗi nghệ nhân, mỗi gia đình đều có bí quyết riêng để tạo nên hương vị đậm đà, cũng như độ dẻo vừa tầm của vỏ bánh, độ hoà quyện mặn ngọt bùi của nhân bánh.
Bà Tư Ðẹp, “thợ chính” của lò, cho biết ngoài bán sỉ cho các đại lý thì gia đình có quầy bánh bên bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều). Không ít lần, du khách phương xa nghe danh bánh tét đặc sản Tây Ðô, hoặc tình cờ gặp bà Tư Ðẹp sau chuyến khám phá chợ nổi Cái Răng, đã theo chân bà tìm đến lò bánh để được tận mắt xem các công đoạn gói bánh và lắng nghe những câu chuyện dân dã.
Mọi thứ vẫn nền nếp, tự nhiên như hàng chục năm qua, có khác chăng là giờ đây cô con dâu của bà Tư Ðẹp vừa nhanh tay gói bánh còn vừa ngọt ngào livestream (phát trực tiếp bằng điện thoại thông minh) trên các nền tảng mạng xã hội, giới thiệu với người xem khắp nơi về món bánh truyền thống của gia đình, của quê hương…