Ngay chân cầu Thạnh Đức, phường Phổ Thạnh có 5 xác tàu thuyền cũ và mới nằm chen nhau. Số tàu cũ mục nát, còn trơ trọi một phần thân tàu, ván đáy tàu. Tàu thuyền mới bị rỉ sét khung sắt, gỗ phần thân tàu mục, gãy chung quanh. Do nước thủy triều, mưa bão tấp những xác tàu về phía chân cầu ngày càng nhiều.
Từ cầu Thạnh Đức kéo dài hơn 500m đến khu vực cảng cá, nơi nhiều tàu cá cập bến bán hải sản, có khoảng 20 xác tàu nằm ngang, dọc từ vài năm qua. Một số tàu cá vẫn còn thân, dù không còn nguyên vẹn. Nhiều tàu đã bị sóng đánh vỡ hoặc mục ruỗng.
Tàu 300Cv bị hư hỏng, không có tiền sửa chữa để cửa biển nhiều năm mục nát, bà Võ Thị Mưa, ở phường Phổ Thạnh tháo dỡ tàu. Phần máy bên trong vợ chồng bà bán phế liệu, phần gỗ mục nát bà làm củi.
Những chiếc tàu này khi đóng mới từng có giá 1-2 tỷ đồng, phần lớn thiết bị như trục, cẩu, motor... được chủ tàu bán lại phế liệu, chỉ còn lại xương tàu, ván gỗ trôi dạt ven bờ cảng biển.
Tàu thuyền trôi dạt nằm quanh cảng biển Sa Huỳnh gây ô nhiễm môi trường. Lượng lớn rác thải không trôi ra biển mà "tập kết" quanh xác tàu. Nhiều xác tàu trôi dạt ra luồng cảng gây nguy hiểm cho các tàu thuyền ra vào cập bến cá.
Cảng Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) từng là một trong những cảng nhộn nhịp nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng những năm gần đây, nơi này xuất hiện nhiều xác tàu chìm ven bờ. Tại đây có khoảng 26 xác tàu, tàu nằm bờ hư hỏng ngổn ngang khu vực cảng biển.
Ông Giã Tấn Tàu, Phó Chủ tịch phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (địa phương có cảng cá) cho biết, toàn phường có 26 xác tàu. Các xác tàu này là do tàu bị chìm ngoài biển được kéo vào, một số tàu cháy, ngư dân làm ăn thua lỗ không có tiền sữa chữa nên bỏ hoang. "Xác tàu gây mất mỹ quan, ô nhiễm nhưng hiện những người chủ khó khăn nên không có tiền tháo dỡ".