Giám sát hành trình tàu cá để kiểm soát dịch Covid-19
Nhiều tháng qua, dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ của tàu thuyền. Đời sống của ngư dân và vùng ven biển gặp nhiều khó khăn. Vì vậy tỉnh Quảng Ngãi đã tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động hành nghề trên biển giữa diễn biến dịch Covid-19 cho ngành nghề khơi xa.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 5.000 tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó, có 3.300 tàu đánh xa bờ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Đến nay, trong đó có 2.700 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm 82%. Để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, vừa phòng chống dịch Covid-19, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi sẽ kiểm soát tàu thuyền ra khơi qua nhật ký hoạt động và thiết bị giám sát hành trình. Tàu cá đánh bắt ven bờ, vùng lộng không nằm trong diện lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ được ngành chức năng kiểm soát qua nhật ký khai thác. Đối với tàu thuyền đánh bắt dài ngày khơi xa được giám sát chặt chẽ qua thiết bị giám sát hành trình trên tàu.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thiết bị giám sát hành trình hỗ trợ kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển chặt chẽ, hiệu quả. “Tàu cá đánh bắt ngoài khơi, không cập bến các vùng đang có dịch, khi trở về test nhanh và được giải quyết về nhà khi có kết quả âm tính. Những tàu thuyền không gắn thiết bị hoặc đánh bắt, cập cảng vùng đang có dịch bắt buộc xét nghiệm y tế và cách ly tập trung thu phí theo quy định”.
Nhiều tháng không đi biển, gia đình anh Võ Xuân Thanh, chủ tàu QNg 94688 khó khăn xoay sở. Anh Thanh trông chờ từng ngày để tàu cá ra khơi. Không chỉ có thiết bị giám sát hành trình mà tàu anh còn có nhật ký hành trình, vì vậy việc giám sát này sẽ giúp anh và các thuyền viên rút ngắn thời gian cập bờ, an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. “Giám sát như vậy thì tàu không vào vùng dịch khi về được giải quyết nhanh. Anh em làm thủ tục rồi về nhà, đỡ mất thời gian, tiết kiệm được nhiều chi phí cho ngư dân chúng tôi nữa”, anh Võ Xuân Thanh vui mừng.
Hầu hết tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên đánh bắt trên vùng biển Bắc Bộ, phía nam và ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Vì vậy, việc giám sát tàu thuyền đánh bắt, mua bán thủy sản bằng thiết bị giám sát hành trình giúp ngành chức năng kiểm soát, hạn chế dịch Covid-19 lan ra cộng đồng.
Mở “luồng xanh” mua bán hải sản, tàu thuyền ra khơi
Đầu ra ứ đọng, giá bán thấp trong khi nhiều cảng cá Quảng Ngãi hạn chế hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ hải sản vùng khơi chậm, kéo dài. Vì vậy, mở “luồng xanh” vùng ven biển hỗ trợ tàu thuyền ra khơi và tiêu thụ thủy sản được triển khai gắn với yêu cầu phòng chống dịch hiện nay.
Tại cảng cá Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, mỗi ngày có 30 đến 40 tàu với tổng sản lượng hải sản 100-150 tấn hải sản cập cảng. Để đưa lượng lớn hải sản tiêu thụ, hơn 300-400 lao động thường xuyên và hàng chục phương tiện vận chuyển hải sản. Nguy cơ lây nhiễm Covid-19, chậm tiêu thụ hải sản rất lớn nếu không kiểm soát chặt chẽ. “Một số bến cá tư nhân không được hoạt động, phần do các địa phương cấm tàu ngoại tỉnh có dịch cập vào cảng, nên số lượng tàu thuyền cập Tịnh Kỳ khá lớn, gây ra tình trạng quá tải cục bộ” - Phó trưởng Ban quản lý phụ trách cảng cá Tịnh Kỳ Nguyễn Hoàng Minh Phú cho hay.
Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 vùng biển, chính quyền địa phương đã phối hợp lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức và sắp xếp lại tàu thuyền, lao động tiêu thụ thủy sản tại các cảng cá. Tại cảng Mỹ Á, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mỹ Á tổ chức phân luồng, sắp xếp tàu ra vào cảng; tránh tình trạng ùn ứ, gây mất an toàn phương tiện cũng như lây lan dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đại lý, tiểu thương thu mua hải sản từ tàu thuyền phân chia theo ngày chẵn, lẻ tránh tập trung đông người tại cảng cá, hạn chế nguy cơ lây bệnh.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 1.700 tàu cá đánh bắt vùng lộng, ven bờ sản lượng thủy sản lớn. Để hỗ trợ tàu thuyền tiêu thụ thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi cho phép các phương tiện tàu cá thu mua thủy sản ngoài khơi của tàu thuyền đánh bắt vùng biển lộng, gắn với các điều kiện về xét nghiệm y tế, bảo đảm phòng dịch Covid-19. Đồng thời, cho phép cảng cá tư nhân hoạt động để giảm tải áp lực các cảng biển hiện nay. Hoạt động của cảng cá tư nhân cùng biện pháp phòng chống dịch như trang bị bảo hộ y tế, xét nghiệm PCR cho người lao động…
Ông Vũ Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ chia sẻ, “luồng xanh” cho vùng ven biển và tàu khơi xa giải quyết tổng thể các hoạt động tàu thuyền trong tình hình dịch hiện nay. Những quy định rõ ràng, phù hợp giúp địa phương quản lý, hỗ trợ bà con vừa ra khơi bám biển vừa gắn chặt phòng dịch Covid-19. “Chúng tôi sẽ phân loại ngư dân, tàu thuyền theo từng nhóm tương ứng với ngành nghề, thời gian hoạt động để quản lý, giám sát. Dịch còn kéo dài nên hướng mở này tháo gỡ nhiều cho địa phương vùng biển”.
Tạo điều kiện cho ngư dân khai thác, tiêu thụ thủy sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng bảo đảm an toàn quy định về phòng chống dịch Covid-19 được tỉnh Quảng Ngãi triển khai quyết liệt. Tháo gỡ vướng mắc phát sinh, tạo “luồng xanh” cho nghề biển giúp ngư dân vượt qua khó khăn giữa tình hình dịch hiện nay.
“Chúng tôi nhất quán về phương diện phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân vươn khơi, bám biển. Có thể vận dụng hết chính sách, quy định để hỗ trợ và mong sự đồng hành, chia sẻ của bà con ngư dân trong tình hình khó khăn chung hiện nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh khẳng định.