Nghĩa trang liệt sĩ duy nhất của tỉnh Thái Bình được xếp hạng Di tích quốc gia

NDO - Hiếm có công trình tri ân liệt sĩ nào quy mô bề thế, rợp bóng cây xanh, có những hồ nước và tiểu cảnh đẹp như Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Trên toàn miền bắc, đây là nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện tiêu biểu và đến nay cũng là nghĩa trang cấp huyện duy nhất của tỉnh Thái Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Cổng tam quan Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình).
Cổng tam quan Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình).

Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đông Hưng, hồ hởi giới thiệu chi tiết cho chúng tôi về công trình ý nghĩa này, đã được Đảng bộ, quân và dân trên địa bàn góp công, góp của xây dựng trong 6 năm.

Cụ thể, nghĩa trang được khởi công vào đúng ngày 27/7/1979 tại làng kháng chiến Nguyên Xá. Từ những năm 1981, 1982, các xã trong huyện lần lượt tổ chức di dời hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang của địa phương về nghĩa trang liệt sĩ huyện.

Nghĩa trang liệt sĩ duy nhất của tỉnh Thái Bình được xếp hạng Di tích quốc gia ảnh 1

Hệ thống hồ nước, cây xanh trong nghĩa trang tạo cảm giác thư thái, tĩnh lặng.

Đến ngày 27/7/1985, công trình xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng đã chính thức hoàn thành và đưa vào quản lý, sử dụng. Cho đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng là hơn 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa, với hàng vạn ngày công của nhân dân trong huyện.

Theo các giai đoạn, quy mô nghĩa trang được mở rộng, nâng cấp. Ban đầu, diện tích là 1ha, đến năm 1997 được mở rộng thêm. Hiện nay, tổng diện tích nghĩa trang hơn 2ha với nhiều hạng mục.

Ấn tượng đầu tiên là đài “Tổ quốc ghi công” xây dựng bề thế từ năm 1979, cao gần 15m, cùng cột cờ và sân hành lễ rộng 40m2; 4 nhà bia ghi tên liệt sĩ với 54 bia đá kích thước cao 1,5m, rộng 0,8m.

Nghĩa trang liệt sĩ duy nhất của tỉnh Thái Bình được xếp hạng Di tích quốc gia ảnh 2

Đài “Tổ quốc ghi công” mới được đầu tư, tôn tạo từ nguồn kinh phí 700 triệu đồng của tỉnh Thái Bình.

Cổng chính Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng cũng được xây dựng năm 1979, qua nhiều lần tu bổ, đến nay là một khối kiến trúc hài hòa, mang dáng dấp truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ với cổng tam quan và hệ thống tường dậu dài 225m.

Bước qua cổng chính, ta bắt gặp 2 hồ nước xây dựng đối xứng nhau tạo cảm giác mát mẻ, thư thái. Đến năm 2014, chính quyền huyện Đông Hưng cho kè đá chung quanh hồ và xây dựng thêm 2 nhà dừng nghỉ, cùng hệ thống cây xanh tạo không gian mát mẻ, tĩnh lặng như một công viên.

Hiện nay, số lượng hài cốt đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng là 2.734 mộ. Trong đó, có hơn 2.000 mộ liệt sĩ quê hương Thái Bình có danh tính, 516 mộ chưa rõ danh tính và 40 mộ liệt sĩ người tỉnh ngoài.

Nghĩa trang có 132 khay mộ, mỗi khay mộ có 20 ngôi. Mộ được xây dựng với quy cách giống nhau và ốp đá granite. Bia mộ đều được làm bằng gốm truyền thống Bát Tràng và hệ thống bát hương, lọ hoa đồng bộ, đúng quy cách trên tất cả các ngôi mộ.

Trong dịp 27/7 năm nay, cùng các địa phương khác trên địa bàn, tỉnh Thái Bình trích kinh phí hỗ trợ huyện Đông Hưng 700 triệu đồng để tiếp tục tu bổ, cải tạo hạng mục đài “Tổ quốc ghi công” với chất liệu mới bền vững hơn.

Công trình Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng cùng làng kháng chiến Nguyên Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cụm Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992.

Nghĩa trang liệt sĩ duy nhất của tỉnh Thái Bình được xếp hạng Di tích quốc gia ảnh 3

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng hiện đang có 2.734 mộ liệt sĩ trong và ngoài tỉnh.

Hằng năm, vào dịp lễ, Tết, ngày Thương binh-Liệt sĩ và vào dịp kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước, quê hương, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đông Hưng cùng các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, lãnh đạo 38 xã, thị trấn và nhân dân trong huyện tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân với tấm lòng thành kính, biết ơn.

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng là công trình tri ân liệt sĩ cấp huyện duy nhất của tỉnh Thái Bình, cũng là địa chỉ lịch sử, văn hóa tâm linh tiêu biểu của địa phương để giáo dục truyền thống lịch sử cho lớp lớp thế hệ mai sau.